Vậy, bảo hiểm nào sẽ đền bù thiệt hại cho chủ xe khi xảy ra những tai nạn khách quan như ngập nước hay cháy nổ? Các loại bảo hiểm thông thường có trách nhiệm tới đâu với chiếc xe ô tô của bạn?
Ngoài loại bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới, khách hàng mua xe có thể lựa chọn nhiều loại bảo hiểm khác để giảm thiểu thiệt hại.
Các hình thức bảo hiểm và quyền lợi
Hiện tại, có 4 hình thức bảo hiểm mà khách hàng khi mua xe có thể tham gia tại hầu hết các công ty bảo hiểm gồm:
- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe
- Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới
- Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe
Trong 4 loại trên, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại hình mà tất cả các cá nhân tổ chức (gồm cả cá nhân người nước ngoài) sở hữu xe hơi tại Việt Nam phải tham gia theo quy định của nhà nước.
Khi mua bảo hiểm này, chủ xe cơ giới sẽ được công ty bảo hiểm thanh toán số tiền mà họ phải bồi thường theo Luật dân sự về những thiệt hại đã gây ra cho người thứ ba và hành khách trên xe theo hợp đồng vận chuyển do việc sử dụng xe cơ giới gây ra.
Đối với những trường hợp thiệt hại về người, bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, mai táng phí hợp lý....và mức độ lỗi của chủ xe.
Đối với tài sản, khoản thanh toán được tính trên cơ sở thiệt hại thực tế và lỗi của chủ xe. Ngoài ra, chủ xe còn được thanh toàn chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan đến vụ tai nạn đó như gọi cứu hỏa, sử dụng bình chữa cháy.
Còn lại 3 loại hình bảo hiểm sau hoàn toàn do khách hàng tự nguyện theo nội dung thỏa thuận với các công ty bảo hiểm.
Đặc biệt trong đó, với loại hình bảo hiểm vật chất xe, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại vật chất xe gây ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong các trường hợp đâm va, lật đổ, hỏa hoạn, cháy nổ, những tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên (bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, mất toàn bộ xe).
Đây chính là loại bảo hiểm sẽ bồi thường các thiệt hại khi xảy ra tai nạn bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của chủ xe như cháy nổ hay ngập nước.
Cần lưu ý gì khi xe gặp sự cố?
Một trong những sơ xuất thường xảy ra nhất khi xe gặp tai nạn là chủ xe không giữ nguyên hiện trường để công ty bảo hiểm xác nhận thiệt hại.
Một số trường hợp va quệt với phương tiện khác, khách hàng thường cho rằng xe đã có bảo hiểm nên không quan tâm đến việc lập biên bản.
Trong khi đó, hầu hết các công ty bảo hiểm đều quy định trong trường hợp xảy ra tai nạn, chủ xe hay lái xe phải báo ngay cho cơ quan Công an và bảo hiểm để giải quyết.
Ngoài việc thông báo kịp thời, chủ xe không được di chuyển tháo dỡ hoặc sửa chữa xe khi chưa có ý kiến từ phía công ty bảo hiểm, trừ trường hợp phải thi hành chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu xảy ra trường hợp mất thì chủ xe (hoặc lái xe) phải thông báo ngay cho Công an và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc và báo ngay cho công ty bảo hiểm bằng văn bản.
Thông thường, đa số các công ty bảo hiểm quy định khoảng thời gian nhận thông báo mất xe là 24h sau khi sự việc xảy ra. Bên cạnh các quy định trên, chủ xe cần thu thập đầy đủ các loại giấy tờ để công ty bảo hiểm thanh toán một cách nhanh chóng.
Tùy theo mỗi công ty nhưng các giấy tờ chung để thanh toán bao gồm:
- Hồ sơ tai nạn do cơ quan Công an lập
- Các giấy tờ liên quan đến xe như giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định an toàn môi trường, bằng lái xe, giấy đăng ký xe
- Các chứng từ hóa đơn liên quan đến chi phí cấp cứu, chứng từ y tế (người), chi phí sửa chữa, thay thế (tài sản) liên quan đến việc giải quyết vụ tai nạn giao thông.