Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe cũ, gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt chất lượng cao. UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xem xét đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” do Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xây dựng.
Theo đề xuất của Transerco, dự kiến giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt để hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ. Trong đó, có 15 tuyến điều chỉnh để giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động. Điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có, tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Giai đoạn 2020 - 2025, sẽ có đến từ 90 - 100 tuyến buýt được mở mới. Trong đó, có 10 tuyến buýt phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân… Cùng với 126 tuyến buýt năm 2019 sẽ nâng tổng số tuyến đến năm 2025 lên 220 - 230 tuyến.
Liên quan đến số phương tiện phát triển mới trong giai đoạn này, đề án cho biết sẽ khoảng từ 1.600 đến 1.800 xe, nâng tổng số phương tiện hoạt động buýt lên 3.400 - 3.800 xe.
Đáng chú ý, tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng sạch chiếm khoảng 15 - 20%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt (gồm buýt thường và BRT) đạt từ 16 - 18% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm trong giai đoạn 2020 - 2025 vào khoảng 2.500 - 3.000 tỉ đồng/năm.
Đề cập lộ trình thay thế các phương tiện buýt có mức độ phát thải lớn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, đây là một ưu tiên của thành phố và sẽ có cơ chế chính sách tạo điều kiện rất tốt. TP. Hà Nội hiện cũng đang nghiên cứu thêm các loại nhiên liệu khác dùng cho xe buýt, trước mắt là 10 tuyến buýt chạy điện theo đề xuất của Vingroup trong năm 2021.
“Trước kia, chúng ta đã có xe buýt BRT, đây cũng là xe tiêu chuẩn châu Âu, sau đó là CNG. Và sắp tới có thêm một loại hình nữa là xe điện thì chúng tôi cho rằng từng bước chúng ta đưa các phương tiện lần lượt vào thay thế thì chúng ta sẽ có một mạng lưới có tỉ lệ ngày càng cao sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Hệ thống giao thông xanh
Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô-tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; Xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh. Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chính quyền và người dân cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.
Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định, Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người, gần bảy triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. “Nếu không muốn sống trong một thành phố hỗn loạn vì giao thông, mịt mù khói bụi độc hại, chúng ta phải nhanh chóng đưa giao thông xanh vào đời sống”, ông Tân nhấn mạnh.
Năm 2021, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô-tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa... Cùng với đó, việc UBND thành phố đặt mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của chính quyền nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến có thêm từ 60 - 70 tuyến mở mới (12 - 14 tuyến/năm), nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 280 - 300. Số phương tiện phát triển mới đạt 1.500 - 1.700 xe, tổng số phương tiện hoạt động buýt đạt từ 5.000 - 5.300 xe.
Trong đó, tỉ lệ phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đến năm 2030 đạt trên 25%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt từ 22 - 25% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hằng năm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng/năm.
Những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội thường xuyên duy trì ở mức kém, có thời điểm còn ở mức nguy hại. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao là do việc gia tăng phương tiện giao thông cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được. Điều này đòi hỏi thành phố cần sớm đẩy nhanh phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-bang-he-thong-xe-buyt-xanh-55600.html