Gần 8 tháng sau khi xảy ra vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), chúng tôi trở lại mảnh đất này. Trong câu chuyện với nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, ánh lên niềm tin và sức sống mới của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Với Đồng Tâm, bất ổn đã qua, bình yên trở lại, nhân dân đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Xét xử đúng người, đúng tội

Những ngày này, khi nhiều nhân vật chủ chốt tham gia "Tổ đồng thuận" vi phạm pháp luật bị bắt giam và sắp bị đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, người dân xã Đồng Tâm mới xóa được cảm giác lo lắng đã ám ảnh họ nhiều năm qua.

"Tổ đồng thuận" hình thành từ năm 2013, khi ông Lê Đình Kình cùng một số người, chủ yếu là con cháu ông Kình và người nhà của 5 người chủ mưu, cầm đầu còn lại, tổ chức khiếu kiện liên quan đến quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm, mà 14/15 nội dung trong đó được kết luận là không có cơ sở. Không dừng lại ở việc khiếu kiện như một công dân bình thường, nhóm này còn tổ chức thực hiện nhiều hành vi sai trái ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Đồng Tâm trong nhiều năm.

Nhớ lại những ngày tháng mà "Tổ đồng thuận" còn hoành hành ở địa phương, ông Trần Ngọc Viễn (75 tuổi), cụm dân cư số 13, thôn Đồng Mít (một trong 14 hộ dân sử dụng đất trong sân bay Miếu Môn đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị quân đội) cho biết, đó là những ký ức buồn, vì người Đồng Tâm đi ra ngoài thì xấu hổ, mà ở nhà thì lo lắng, bất an. Bất an là bởi nhiều người bị đe dọa, chửi bới. Bản thân ông Viễn và không ít lãnh đạo xã, một số người dám nói thẳng, nói thật đã bị hành hung, ném đá vào nhà.

Còn ông Cao Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Tâm cho biết, bất kỳ hội nghị nào được tổ chức cũng không yên tâm, bởi vì "Tổ đồng thuận" xen vào. Họ chỉ là một nhóm người lấy tên là "Tổ đồng thuận", nhưng lại phá hoại sự đồng thuận tại địa phương, khiến người dân Đồng Tâm lúc nào cũng trong trạng thái bất an.

Lợi dụng tâm lý dòng tộc ở vùng nông thôn trong khi Lê Đình là dòng họ lớn nhất ở xã Đồng Tâm, "Tổ đồng thuận" tìm cách đưa người trong dòng họ, người có cùng quan điểm vào các vị trí của xã, thôn thông qua việc thực hiện các quy định bầu cử. Nhiều vị trí trưởng thôn, phó thôn Hoành trước đây là con cháu của ông Kình, như Lê Đình Công nguyên Trưởng thôn là con trai; Lê Đình Ba, nguyên Phó thôn là cháu ông Kình. Vì vậy, từ khi thành lập đến trước ngày 9-1-2020, "Tổ đồng thuận" thường xuyên công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; kêu gọi nhân dân phản đối, không nhận đất sản xuất, không đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp… Các đối tượng còn gây khó khăn cho công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm, nhiệm kỳ 2015-2020 (chậm hơn 1 năm); ngăn cản phiên đấu giá đất của chính quyền địa phương...

Ngoài ra, nhóm người này còn tấn công quần chúng, như việc Lê Đình Mỳ dùng dao quắm tấn công ông Nguyễn Văn Toán (người phát biểu tại Hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ), đe dọa Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Hoàng Thanh Hương. Một số phần tử còn ngang nhiên đốt pháo nổ, ném vào nhà dân; tấn công cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại thôn Hoành… Hành vi sát hại 3 chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ ngày 9-1-2020 là tận cùng tội ác mà "Tổ đồng thuận" đã gây ra trên mảnh đất Đồng Tâm.

Khi được hỏi, nhiều người dân Đồng Tâm khẳng định, việc cơ quan pháp luật bắt giữ, khởi tố vụ án và đưa ra xét xử 29 bị can về tội danh “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” vào ngày mai (7-9) là rất cần thiết. Người dân tin tưởng, việc xét xử vụ án một cách công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội là cơ sở vững chắc để bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, bà con yên tâm lao động, sản xuất.

Niềm vui trở lại, chung sức dựng xây quê hương

Giữa cái nắng oi ả một ngày đầu tháng 9-2020, đi trên con đường ngang qua nhà văn hóa thôn Hoành, ra chợ, rồi chạy thẳng ra cánh đồng làng, chúng tôi cảm nhận được một không khí thanh bình, hiền hòa đang tràn ngập trong không gian Đồng Tâm.

Trong tâm trạng phấn khởi, ông Trần Ngọc Viễn cho biết, sau khi an ninh trên địa bàn ổn định, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, gia đình ông và bà con đều thấy như vừa hoàn thành một công việc lớn, trong lòng trút đi một gánh nặng. Ông Viễn nói: "Ngay cả khi đi đình, đi chùa vào mùng một, ngày rằm, bà con cũng vui hơn".

Còn ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Tâm chia sẻ: "Không giống trước đây, bây giờ, người cao tuổi chúng tôi hằng ngày gặp nhau là tay bắt mặt mừng. Sáng đi bộ tập thể dục, chiều chơi bóng chuyền hơi; câu chuyện không còn là to nhỏ băn khoăn như trước mà giờ là những câu chuyện vui, chuyện về sức khỏe"...

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoành Lê Đình Lưỡng cho biết, sau khi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, những công việc chung của làng xóm như xây dựng đình, chùa, đường giao thông, thủy lợi mỗi khi triển khai từ chi bộ đến nhân dân đều có sự thống nhất rất cao. Vừa qua, khi tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân, không khí cũng hoàn toàn khác, bà con vui vẻ, phấn khởi, nhiệt tình trao đổi, thảo luận; nội dung đi thẳng vào những vấn đề thiết thực của cuộc sống.

Chính bởi cảm xúc mới mẻ, tích cực ấy, ở xóm 6 (thôn Hoành) nhiều năm qua không xây dựng được hệ thống thoát nước thì vừa qua công trình đã hoàn thành. Thậm chí, có 2 hộ gia đình đã đồng thuận cho đường cống thoát nước chạy qua vườn nhà. "An ninh trật tự và đời sống văn hóa ở Đồng Tâm đã trở lại nếp xưa. Nếu không vướng dịch Covid-19 thì phong trào văn hóa - thể thao đã rất sôi nổi, nhất là giải bóng đá cho thanh niên nhân dịp Quốc khánh 2-9", ông Lê Đình Lưỡng khẳng định.

Tinh thần phấn khởi vì cuộc sống yên bình trở lại là nguồn động lực cho cán bộ và nhân dân địa phương xây dựng quê hương. Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Sự thông tin, vụ xuân 2020, diện tích đất trồng lúa ở Đồng Tâm đạt 99,14%, tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm qua. Bà con còn rất tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đồng Tâm cũng là một trong những xã đứng đầu huyện Mỹ Đức về đóng góp ủng hộ chính quyền phòng, chống dịch, với số tiền thu được là gần 200 triệu đồng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phấn đấu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2021. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội giao cho Huyện ủy Mỹ Đức và Đảng ủy xã Đồng Tâm.

"Ngay sau đại hội, chúng tôi đã khẩn trương triển khai thực hiện; trước hết là tập trung vào công tác dồn điền, đổi thửa. Đảng ủy xã sẽ sớm ban hành hai nghị quyết chuyên đề tập trung vào công tác quản lý đất đai và phát triển văn hóa, xã hội...", Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Phan Văn Sự cho biết.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoành Lê Đình Lưỡng khẳng định, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ xã, Chi bộ thôn đã thông tin, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn về mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, Chi bộ nhận thức được rằng, có 4 tiêu chí khó khăn, nhưng với sự đồng tâm, nhất trí và môi trường thuận lợi hiện nay, thôn Hoành sẽ nỗ lực về đích đúng mục tiêu.

Trong khi đó, là nông dân giàu kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Thúy, Cụm trưởng Cụm dân cư số 8, thôn Hoành, khẳng định: "Đồng Tâm xây dựng nông thôn mới còn chậm là do bất ổn, chứ không phải dân không đồng lòng, cán bộ không quyết tâm. Giờ ổn định rồi thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm được".

Nhấn mạnh, tập thể lãnh đạo xã hiện nay có sự đồng lòng, nhất trí rất cao; cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần nêu gương, sẵn sàng vì lợi ích chung, Bí thư Đảng ủy Phan Văn Sự quả quyết: "Đồng Tâm là xã Anh hùng. Mặc dù nhiệm vụ đặt ra nặng nề, khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã sẽ quyết tâm thực hiện và về đích xây dựng nông thôn mới như kế hoạch".

Theo Hà Nội Mới