Liên quan tới kiến nghị của doanh nghiệp về việc HĐND TP. Sầm Sơn ban hành văn bản có dấu hiệu trái luật, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hôm 1/7 ông Trịnh Văn Chiến, Bí thu Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn xem xét, chỉ đạo xử lý đơn nêu trên theo quy định của pháp luật để trả lời công dân, đồng thời báo cáo Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 3/7, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Tư pháp Thanh Hóa cho biết, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, thu thập hồ sơ làm rõ phản ánh của doanh nghiệp liên quan tới công văn số 78 của HĐND TP. Sầm Sơn.
Trước đó, ngày 12/6/2019, bà Vũ Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND thay mặt Thường trực HĐND TP. Sầm Sơn ký ban hành văn bản số 78/HĐND-TTr về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền.
Nội dung văn bản số 78/HĐND-TTr ghi rõ: “Căn cứ chủ trương và các Quyết định (Quyết định số 1040/2013/QĐ-UBND ngày 01/04/2013; Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 9/03/2018) của UBND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 474 phương tiện xe điện tham gia hoạt động.
Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm bắt, hiện nay Công ty TNHH Phương Hiền do ông Cao Duy Hồng, ở khu phố Khánh Sơn, phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn làm Giám đốc đã đưa về Sầm Sơn 07 xe điện (loại xe 4 bánh, 15 chỗ ngồi) và thực hiện rao bán. Có một số hộ dân đã liên hệ mua xe. Dự kiến công ty sẽ tiếp tục đưa thêm 45 xe về Sầm Sơn.
Việc Công ty TNHH Phương Hiền mua xe điện và rao bán trong nhân dân là việc làm trái với chủ trương của tỉnh và thành phố về công tác quản lý, lộ trình tăng xe điện trên địa bàn”.
Văn bản này đưa ra khuyến cáo: “Tăng cường công tác giám sát hoạt động của Công ty TNHH Phương Hiền, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh xe điện; khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của tổ chức, cá nhân chưa được chấp thuận của UBND tỉnh, trong đó nhấn mạnh cử tri và nhân dân về tạm thời không tăng thêm số lượng xe điện trong năm 2019 theo công văn 14698/UBND-CN, ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh”.
Về văn bản này, ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền cho rằng, văn bản nêu trên có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền, sai căn cứ pháp lý, có dấu hiệu vu khống, bịa đặt, ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp và mang tính trù dập.
Các căn cứ pháp lý mà phóng viên thu thập được cho thấy, việc ban hành tờ trình số 78 nêu trên có nhiều điểm bất thường và việc khiếu nại của doanh nghiệp là hoàn toàn có cơ sở xem xét.
Thứ nhất, văn bản số 78/HĐND-TTr của HĐND TP. Sầm Sơn được ban hành ngày 12/6/2019, trong đó căn cứ Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 9/03/2018 quyết định về việc ban hành quy định tổ chức và hoạt động thí điểm xe điện... Đây là Quyết định đã hết hiệu lực, đã được thay thế bằng Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định phạm vi tuyến đường và thời gian hoạt động thí điểm đối với xe chở 4 bánh chạy bằng năng lượng điện... Điều này cho thấy HĐND TP. Sầm Sơn ra văn bản số 78 là không đủ căn cứ.
Thứ hai, nội dung văn bản số 78/HĐND-TTr của HĐND TP Sầm Sơn nêu: “…qua theo dõi và nắm bắt, hiện nay Công ty TNHH Phương Hiền do ông Cao Duy Hồng, ở khu phố Khánh Sơn, phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn làm Giám đốc đã đưa về Sầm Sơn 07 xe điện (loại xe 4 bánh, 15 chỗ ngồi) và thực hiện rao bán. Có một số hộ dân đã liên hệ mua xe. Dự kiến công ty sẽ tiếp tục đưa thêm 45 xe về Sầm Sơn. Việc Công ty TNHH Phương Hiền mua xe điện và rao bán trong nhân dân là việc làm trái với chủ trương của tỉnh và thành phố về công tác quản lý, lộ trình tăng xe điện trên địa bàn”.
Đây là những nội dung có dấu hiệu bịa đặt bởi lẽ, cơ quan có thẩm quyền không có bằng chứng khẳng định về việc mua bán này bằng văn bản, giấy tờ pháp lý khác có liên quan. Công an thành phố Sầm Sơn cũng xác nhận với phóng viên hôm 26/5 với nội dung: “Chỉ có thông tin về việc doanh nghiệp rao bán, còn việc mua bán (có chứng minh bằng giấy tờ mua bán) thì chưa khẳng định được”. Như vậy, việc HĐND TP. Sầm Sơn vội vàng khẳng định doanh nghiệp “thực hiện rao bán xe” là không có căn cứ.
Mặt khác, Công ty TNHH Phương Hiền được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2801582699 đăng ký lần đầu ngày 19/7/2010, thay đổi lần 01 ngày 28/10/2013 với 15 ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành nghề bán buôn ô tô và xe có động cơ khác (chi tiết: Mua bán xe điện du lịch).
Như vậy, việc kinh doanh xe điện (nếu có) của doanh nghiệp đều căn cứ theo Giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp và các quy định có tính pháp lý khác. Việc này hoàn toàn không liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động xe điện ở Sầm Sơn như văn bản số 78 đã nêu.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Duy Hồng, Giám đốc doanh nghiệp Phương Hiền cho hay, đại diện doanh nghiệp đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản số 78/HĐND-TTr, đồng thời công khai xin lỗi doanh nghiệp; Kiểm điểm trách nhiệm cán bộ tham mưu văn bản và Thường trực HĐND TP. Sầm Sơn vì đã ban hành một văn bản thiếu căn cứ, có dấu hiệu trái quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Cách đây vài ngày, sau khi nhận được đơn đề nghị của ông Cao Duy Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền (Sầm Sơn, Thanh Hóa) về việc đình chỉ thi hành và bãi bỏ văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân TP. Sầm Sơn, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc Hội gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ những phản ánh có liên quan.
Văn bản nêu rõ: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết quan điểm của Bộ về giá trị pháp lý, thẩm quyền ban hành văn bản số 78/HĐND-Tr ngày 12/6/2019 của HĐND thị xã Sầm Sơn (nay là TP. Sầm Sơn - PV) là đúng hay sai theo quy định của pháp luật? Hậu quả pháp lý của việc làm này như thế nào?”, vị Đại biểu Quốc Hội đề nghị.