Chiều 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Tại phiên chất vấn này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nêu hàng loạt vấn đề nóng, trong đó có việc thí điểm xe điện tại Sầm Sơn, đề nghị Bộ trưởng Thể trả lời.

Vị Đại biểu đặt câu hỏi: “Tôi đã đề nghị thanh tra việc thí điểm xe điện 4 bánh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa có rất nhiều bất cập, tại sao Bộ không Thanh tra?”.

Clip: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vụ xe điện Sầm Sơn. (Nguồn: Zing.vn).

Trả lời về việc thí điểm trung tâm xe điện ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trách nhiệm theo phân cấp thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ cùng tỉnh Thanh Hóa xử lý nhiều lần.

"Trên tay tôi là toàn bộ hồ sơ liên quan tới việc xử lý trung tâm này (doanh nghiệp xin thí điểm xe buýt điện-PV) Tiếp thu đề xuất của đại biểu, chúng tôi sẽ bố trí Thanh tra Bộ vào cuộc làm rõ vấn đề này, đúng theo đề xuất của đại biểu đang quan tâm", ông Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn hôm 5/6.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn hôm 5/6.

Cách đây không lâu, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vấn đề thí điểm xe buýt điện.

Tại văn bản này, vị Đại biểu nêu rõ: “Mặc dù tôi đã nhận được văn bản chất vấn của đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa (về vụ việc nói trên), nhưng tinh thần các văn bản chủ yếu vẫn là đùn đẩy trách nhiệm, không giải quyết nghiêm túc kiến nghị của doanh nghiệp.

Đặc biệt vụ việc cho thấy rõ sự thiếu khách quan, không công bằng trong chỉ đạo điều hành cấp phép hoạt động cho Công ty Phương Hiền tham gia kinh doanh (trong đó có cả việc không cấp phép hoạt động và không cho Công ty Phương Hiền làm thủ tục nộp thuế hàng chục xe đã được mua, nhập khẩu). Ngược lại, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND thành phố Sầm Sơn vẫn cho phép các đối tượng không đủ điều kiện hoạt động. Vấn đề này báo chí đã đưa tin, người lao động và công ty bức xúc, liên tục kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Ngày 2/1/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ tháng 12/2018. Thông báo có ghi, kiến nghị của Công ty Phương Hiền liên quan tới cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn. Nội dung này đã được Chủ tịch UBND tỉnh trả lời doanh nghiệp nhiều lần.

Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn chỉ đạo mới của Trung ương, đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh không tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan để đề nghị cấp phép sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh, đồng thời yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan không tham mưu, giải quyết kiến nghị nêu trên.

Trong khi đó ngày 10/10/2018, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh nêu rõ:Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền theo chỉ đạo của Thủ tướng...".

Đây chứng tỏ là một trong những dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm lên cấp Trung ương, tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy Công ty Phương Hiền vào tình trạng có nguy cơ phá sản, nhiều lao động là đối tượng gia đình chính sách vào cảnh khó khăn, không công ăn việc làm", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.

Với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết khẩn trương, nghiêm túc kiến nghị chính đáng của Công ty Phương Hiền để công ty sớm đưa phương tiện đã nhập khẩu, kiểm định vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, góp phần phát triển du lịch và đóng góp cho ngân sách, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời chỉ đạo tiến hành thanh tra, xem xét, xử lý các sai phạm (nếu có) của cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan.

Xin được nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chất vấn người đứng đầu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm xe buýt điện tại Sầm Sơn, mà theo ông Nhưỡng chính quyền địa phương đã không làm đúng chủ trương của Trung ương về việc này.

Phó Ban dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thẳng thẳng thắn chỉ rõ 5 dấu hiệu vi phạm của cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Vị Đại biểu nói rõ: “Thứ nhất: Cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa thực hiện không nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về thí điểm sử dụng xe điện tại một số địa phương, trong đó có Thanh Hoá: Quá trình thực hiện chủ trương này, địa phương đã đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp; cho phép xe của doanh nghiệp này hoạt động trong khi họ không đủ điều kiện và ngăn cản doanh nghiệp khác (Công ty Phương Hiền).

Điều này tạo ra sự bất bình đẳng theo kiểu lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo cơ chế “xin - cho”. Nếu là thí điểm thì ai đủ điều kiện thì cho họ làm, chứ không phải anh đánh giá người này người kia theo cảm tính mà không nhìn thực tế việc của họ sẽ làm và làm như thế nào?

 

Thứ 2: Cơ quan có thẩm quyền đã báo cáo thiếu trung thực về năng lực pháp lý, hồ sơ đề án, thủ tục tham gia thí điểm xe điện của Công ty Phương Hiền: Sau khi có chủ trương Công ty Phương Hiền đã làm đề án xin thí điểm sử dụng xe điện và đã được cấp phép nhập hàng loạt xe. Nhưng, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hoá và thành phố Sầm Sơn đã báo cáo sai sự thật rằng, doanh nghiệp này chỉ nhập có hai xe điện, thậm chí nói doanh nghiệp không kinh doanh mà chỉ xin cấp phép để bán “lốt” ăn tiền ?.

Tôi đã phải vào tận nơi xác minh, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy tờ có liên quan thì thấy rằng, doanh nghiệp này đã mua rất nhiều xe nhưng địa phương không cho họ nộp thuế để đưa vào sử dụng. Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng thông tin sai sự thật.

Thứ 3: Có dấu hiệu gây cản trở doanh nghiệp Phương Hiền trong quá trình tiến hành thủ tục cho phép thí điểm kinh doanh xe điện: Theo đó, nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp nhận đề án của Công ty Phương Hiền trong việc đưa xe điện vào hoạt động thí điểm, nhưng chỉ đưa ra lý do chung chung là đề án còn sơ sài, không chỉ rõ điểm nào là không phù hợp; trong khi không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Nếu đưa lý do là vậy, thì tôi xin hỏi, có cái mẫu chung nào quy định đề án phải như thế này, thế nọ không? Có hướng dẫn họ làm đề án chưa? Trong khi đó, tại sao đơn vị không có đề án thì anh cho người ta kinh doanh, còn những người có đề án, tôi cứ cho là còn sơ sài theo cách nói của cơ quan có thẩm quyền Thanh Hóa, lại không được kinh doanh? Vậy đó là cái gì nếu không phải là cửa quyền?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo”, “phục vụ", điều này đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền địa phương phải có trách nhiệm với nhân dân, doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng họ phát triển. Với cách làm của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa trong vụ việc vừa qua, liệu họ đã xứng đáng với chính quyền “kiến tạo”, “phục vụ” hay chưa?

Thứ 4: Không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, do Phó Thủ tướng trực tiếp ký văn bản: Khi sự việc của Công ty Phương Hiền được các Đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó tôi gửi chất vấn và người đứng đầu Chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp ban hành văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc. Nhưng nhiều lần, UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn quanh co, tìm mọi lý do trì hoãn việc thực hiện chỉ đạo có tính mệnh lệnh này.

Trung ương đã chỉ đạo rồi, bây giờ tỉnh lại xin ý kiến Trung ương thì vụ việc cứ lòng vòng qua lại, chưa được giải quyết triệt để, nhằm “hoãn binh”. Như vậy có nghĩa rằng, công tác quản lý Nhà nước của chúng ta trong vụ việc này đang tạo ra thế “mê hồn trận”.

Thứ 5: Tỉnh Thanh Hóa không những không quyết liệt, thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo UBND TP. Sầm Sơn thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà còn ban hành các văn bản áp dụng sai chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cấp uỷ, chính quyền TP. Sầm Sơn ban hành văn bản hợp thức hoá việc ngăn cấm, cản trở hoạt động thí điểm kinh doanh xe điện của Công ty Phương Hiền, đẩy doanh nghiệp này lâm vào tình trạng phá sản, thiệt hại nặng nề về tài chính, hàng trăm người lao động (trong đó hầu hết là thương binh, con em gia đình chính sách) mất việc làm.

Rõ ràng ở đây có dấu hiệu lợi ích nhóm, sự đối xử bất công bằng giữa các doanh nghiệp. Tỉnh nói với tôi rằng, vì một số doanh nghiệp gây sức ép bằng cách này cách nọ nên họ phải chấp nhận cho xe hoạt động, vậy thì tại sao doanh nghiệp Phương Hiền với nhiều lao động là thương binh... lại bị đối xử như vậy?. Tôi cho rằng đó chẳng qua chỉ là lý do không thuyết phục, bao biện", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vị Phó Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết thêm, với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, ông sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc Công ty Phương Hiền cho đến khi trách nhiệm kỷ luật của lãnh đạo các cơ quan có liên quan thuộc tỉnh Thanh Hóa được đưa ra phán xét theo quy định của pháp luật.

Theo Quốc Toản/Đô Thị Mới