Trước đó, bệnh nhi C.T.L. (8 tháng tuổi, ở Bình Tân, TP.HCM) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khi phát hiện tình trạng xanh xao, đột ngột co giật.
Tại bệnh viện, nhận định bệnh nhi hôn mê sâu, nghi ngờ xuất huyết não cấp; các bác sĩ cấp cứu và Ngoại Thần kinh nhanh chóng được huy động, bé được đặt ống giúp thở, thở máy. Sau thăm khám kĩ lưỡng, ổn định sinh hiệu, bé được CT Scan sọ não phát hiện xuất huyết não, não bị khối máu chèn ép gây phù, đe dọa tụt não, ngưng tim ngưng thở, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ đang kiểm tra chăm sóc bệnh nhi
Các bác sĩ khẩn trương truyền máu, chống sốc, chống phù não, chống co giật và tiến hành phẫu thuật cấp cứu. ThS.BS Nguyễn Duy Khải - Trưởng kip mổ cho biết, phát hiện máu chảy rất nhiều, phải mở sọ, lấy máu tụ, cầm máu, vá chùng màng cứng. Bé được được bù 6 đơn vị máu tại phòng mổ sau hơn 4 giờ căng thẳng tại phòng mổ.
Sau mổ, bé được chuyển sang khoa hồi sức ngoại. Tại đây, sau 2 tuần được hồi sức tích cực, bệnh nhi đã hồi phục tốt, não không bị đẩy lệch nữa, tay chân phải cải thiện sức cơ, được cai máy, cho ăn sữa và được ra phòng ngoài với gia đình.
Theo BS Nguyễn Thị Thu Nga - Khoa Hồi Sức Ngoại, xuất huyết não ở trẻ là một bệnh cảnh nặng cấp tính do nhiều nguyên nhân. Trong đó 2 nguyên nhân lớn thường gặp ở trẻ nhỏ là chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt và rối loạn đông máu do thiếu vitamin K.
Theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30-40 ngày tuổi. Ở độ tuổi lớn hơn, nguyên nhân tập trung vào tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông, các bệnh lý huyết học gây rối loạn đông máu khác... Trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỷ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao.
Các di chứng hay gặp nhất ở trẻ bị xuất huyết não gồm có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc chậm phát triển tâm thần vận động...
Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như xanh xao, co giật, li bì, ba mẹ, các cô bảo mẫu cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay.