Dự thảo có nhiều điểm mới. Điều 7 quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông được gắn chíp điện tử để lưu trữ thông tin sinh trắc học đặc trưng của người đề nghị cấp hộ chiếu như dấu vân tay, ảnh, thông tin cá nhân và chữ ký số của cơ quan cấp.
Ảnh minh họa.
Bộ Công an lý giải rằng Chính phủ đã phê duyệt đề án "sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử", tuy nhiên hiện chưa có văn bản nào điều chỉnh về hộ chiếu điện tử. Do đó, việc xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh là điều kiện cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử.
Để phục vụ thu thập dữ liệu thông tin đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, dự thảo đưa thêm nội dung "thu nhận dấu vân tay" của người đề nghị cấp hộ chiếu (hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông). Thời hạn của hộ chiếu phổ thông vẫn là 10 năm.
Dự thảo không yêu cầu người đề nghị cấp hộ chiếu phải làm và nộp hồ sơ mà chỉ cần điền tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng. Để thuận tiện, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu nộp tờ khai tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố. Người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi có thể trực tiếp nộp tờ khai tại nơi thuận tiện nhất hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, không phân biệt hộ chiếu còn hạn hay hết hạn.
Người dân cũng có thể trực tiếp nhận kết quả hoặc đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi kết quả về địa chỉ theo yêu cầu.
Nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020.