Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 và Công ty Cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang, hạng mục đường gom đoạn qua địa phận Hà Nội có chi phí đầu tư lớn (khoảng 376 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 236 tỷ đồng). Đây là khu vực tập trung đông dân cư, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên việc bổ sung hạng mục này vào dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn này không khả thi do tiến độ kéo dài và phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết, thực tế hiện nay đoạn tuyến từ cầu Thanh Trì đến cầu Phù Đổng (điển đầu dự án Hà Nội - Bắc Giang) vẫn đang khai thác hỗn hợp (không có đường gom). Do vậy, trước mắt chỉ ưu tiên đầu tư hệ thống đường gom trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hệ thống đường gom địa phận thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu đầu tư khi nguồn lực cho phép.

Về hạng mục hàng rào ngăn cách giữa đường gom và đường cao tốc, Bộ GTVT khẳng định, việc đầu tư hệ thống hàng rào để đảm bảo ATGT và từng bước hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT thành đường cao tốc là cần thiết.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang sử dụng nguồn vốn quản lý, bảo trì của dự án để lắp đặt hàng rào tại một số vị trí gây bức xúc về ATGT. Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, quyết định xây dựng hệ thống hàng rào ngăn cách giữa đường gom và đường cao tốc phù hợp với quy trình quản lý, vận hành khai thác công trình và hợp đồng dự án.


Theo Pháp luật xã hội