Theo báo cáo của Bộ GTVT, vào hồi 23h03 ngày 29/11/2018, chuyến bay VJ356 (tàu bay VN-A653) của VietJet Air từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Buôn Mê Thuột, trong quá trình hạ cánh tại sân bay Buôn Mê Thuột đã gặp sự cố kỹ thuật.
Cụ thể, sự cố nghiêm trọng xảy ra khi 2 bánh trước của máy bay đã bị mất trong quá trình hạ cánh. Tổ bay đã triển khai quy trình khẩn nguy và thoát hiểm cho hành khách theo quy trình khai thác, toàn bộ 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn, trong đó có 6 hành khách bị chấn thương đã được kịp thời đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để kiểm tra sức khoẻ. Hiện tại cả 6 hành khách đã được xuất viện.
Chuyến bay VJ356 được thực hiện bởi tàu bay A321 số đăng ký quốc tịch VN-A653 được hàng không Vietjet mới tiếp nhận từ nhà chế tạo Airbus và đưa vào khai thác thương mại từ ngày 15/11/2018.
Được biết, máy bay VJ356 vẫn đủ lốp nên hạ cánh trong tư thế thăng bằng. Trong quá trình chạy đà, cặp lốp trước bị bung ra. Càng trước máy bay tiếp giáp với mặt đường băng. Tại hiện trường, càng máy bay cày xước nhiều đoạn, tạo các rãnh trên mặt đường băng.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngày 30/11 có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Công ty Cổ phần hàng không VietJet (Vietjet Air), đề nghị khẩn trương khắc phục sự cố, phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân việc tàu bay Vietjet gặp sự cố sau khi hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có khuyết điểm trong vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Trong công văn, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ GTVT phối hợp với Hãng hàng không Vietjet Air và nhà sản xuất máy bay điều tra, làm rõ nguyên nhân các sự cố, bình giảng rút kinh nghiệm trong toàn ngành; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có khuyết điểm trong vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, có báo cáo cho đồng chí Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.
Đồng thời, Bộ cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để đưa tin chính xác, kịp thời, đúng mực về quá trình khắc phục sự cố và xử lý trách nhiệm, tránh gây tâm lý chủ quan và đồng thời không gây hoang mang, lo ngại trong dư luận.
Đối với Công ty Cổ phần hàng không VietJet, yêu cầu chủ động phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn ngăn ngừa các sự cố uy hiếp hoạt động vận tải hàng không của doanh nghiệp ./.