Cụ thể, ở phương án về tuổi nghỉ hưu, thay vì đề xuất áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay khi luật có hiệu lực như dự thảo lần trước, lần này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đề xuất chỉ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Đồng thời, thời gian tăng tuổi hưu cũng nhanh hơn. 

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Nhưng từ năm 2021, với lao động trong điều kiện bình thường, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (thay vì mỗi năm tăng 3 tháng như dự thảo lần 1), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trường hợp, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi trên.

Đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên (nam có thể làm việc tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi mới nghỉ hưu).

Tăng tuổi nghỉ hưu: Đề xuất chỉ áp dụng tăng từ 1/1/2021 

Như vậy, so với dự thảo lần thứ nhất công bố cuối năm 2016, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã được rút ngắn. Theo phương án cũ, phải mất 8 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, mất 20 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 thì nay chỉ còn lần lượt 4 và 10 năm.

Nếu phương án này được thông qua, thời gian áp dụng tuổi nghỉ hưu cho nam sẽ là năm 2025 và nữ từ 2031.

Trong giải trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động đã nêu ra 6 lý do cần tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là nếu giữ nguyên mức đóng - hưởng, thời gian đóng - hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Điều này dẫn đến tình trạng quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi.

Lý do thứ hai, nếu không nâng tuổi hưu và muốn đảm bảo tài chính bền vững của quỹ thì phải nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp, hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Điều này sẽ gây khó cho cả người lao động và doanh nghiệp nên đề xuất tăng tuổi hưu được cho là hợp lý hơn.

Lý do thứ ba là hiện tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng nhiều so với trước, thời gian hưởng lương hưu khá dài. Trong khi đó thì nhiều người nghỉ hưu lại tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm. 

Ở lý do thứ tư, Bộ Lao động dẫn đánh giá của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc là Việt Nam đang chuyển từ thời dân số vàng sang giai đoạn già hóa, tương lai nền kinh tế sẽ thiếu hụt lao động trẻ, do đó, nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động.

Lý do thứ năm, theo Bộ Lao động thì việc nâng tuổi hưu sẽ tận dụng triệt để nguồn nhân lực cao tuổi, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao trong bối cảnh sức khỏe lao động ngày càng cải thiện.

Lý do cuối cùng, khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất phụ thuộc vào việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, giảm trốn đóng, sử dụng hiệu quả chi phí quản lý bảo hiểm xã hội... Theo tính toán, những yếu tố này chỉ giúp quỹ kéo dài thời gian cân đối thêm 1-2 năm.

 

Theo Minh Chuyên/Reatimes