Bỏ sổ hộ khẩu giấy phù hợp với xu thế chung
Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đều tán thành với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo Luật và cho rằng điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú. Cùng với đó là việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua mã số định danh cá nhân là cách làm khoa học góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV.
Theo tờ trình, Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) nói: "Người dân sống lâu tại nơi sinh sống nhưng không đăng ký thường trú do không đủ điều kiện. Thực tế có nhiều điều kiện "ăn theo" sổ hộ khẩu thường trú, hạn chế quyền lợi của công dân".
Đại biểu Trí cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Cấm cơ quan, đơn vị ban hành quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú, xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cư dân.
Cũng tại phiên họp, đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cũng đã nêu ý kiến về vấn đề thay đổi sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân. Theo lộ trình, dự kiến đến tháng 12/2020 toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.
Đại biểu Loan cũng đặt ra thách thức, từ nay đến thời gian đó không còn dài, cùng với yêu cầu và khó khăn của công tác này đã được chỉ ra trong các báo cáo của Bộ Công an và báo cáo thẩm tra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân theo lộ trình để khi Luật có hiệu lực thi hành thì đảm bảo Luật được tổ chức, triển khai trong cuộc sống.
Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cũng nhấn mạnh, việc bỏ sổ hộ khẩu, quản lý cư trú bằng khoa học công nghệ, giảm phiền hà cũng như chi phí cho người dân và đây là thay đổi đột phá của Chính phủ.
Bộ Công an cấp khoảng 50 triệu căn cước công dân
Sau khi lắng nghe 16 ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội ở Hội trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt ban soạn thảo đã tiếp thu và giải trình một số nội dung. Bộ trưởng Tô Lâm tiếp thu một số nội dung cụ thể mà các đại biểu quan tâm trên một số nhóm vấn đề lớn.
Đó là việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương pháp quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; Quy định về bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương, việc xoá đăng ký thường trú...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay các cơ quan đã hoàn thành cơ bản, cấp được khoảng 18 triệu số định danh và căn cước công dân cho công dân.
"Tổng số chúng ta có khoảng hơn 90 triệu, như vậy ước lượng khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân. Chúng tôi tính trong đó người dưới 14 tuổi khoảng 30 triệu, trước mắt ít nhất là khoảng 50 triệu người dân, công dân cần được cấp căn cước công dân", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành công an cũng cho rằng các cơ quan đã thu thập và đưa vào trong máy hoặc hệ thống thông tin dữ liệu của công dân khoảng 80 triệu người.
"Chúng tôi cũng thấy rằng với việc đề xuất Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 thì chúng ta hoàn thành được cơ bản việc cấp căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên thì hoàn toàn có thể hoàn thành việc cấp cho những người dưới 14 tuổi trong thời gian tiếp theo", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.