Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng ở quá xa, không thể nào che khuất được hết Mặt Trời. Do đó, khi Mặt Trăng đi qua Mặt Trời, người ta sẽ thấy một vòng tròn sáng bao quanh Mặt Trăng.

Hiện tượng nhật thực bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc trước khi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương. Ở Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần.

Đặc biệt lần này, cả ba miền đều có cơ hội được thưởng thức nhật thực một phần này.

Tại Hà Nội, tỷ lệ Mặt Trời bị che phủ lên tới 71%, thời gian diễn ra từ 13g16 tới 16g18 và đạt cực đại lúc 14g55.

Ở Đà Nẵng, hiện tượng này bắt đầu vào 13g30 với tỷ lệ che phủ là 56%.

Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ che phủ sẽ ít hơn nhiều với 36% và thời gian bắt đầu vào 13g37 phút.

Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ che phủ cao nhất, đạt tới 79%, còn Cà Mau là tỉnh có tỷ lệ che phủ thấp nhất với 27%.

Tuy nhiên, nhật thực là một hiện tượng thiên văn mà chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường. Không sử dụng kính cận, kính râm, tuyệt đối không sử dụng các dụng cụ như ống nhòm, kính thiên văn, ống kính máy ảnh, camera vì chúng khiến bức xạ Mặt Trời tăng lên đáng kể, có thể gây mù cho người quan sát.

Chỉ sử dụng các kính thiên văn được trang bị bộ lọc Sun-filter đảm bảo chất lượng hoặc một loại kính có tên là Solar glass.

Nếu không có dụng cụ, có thể chế tạo chiếc hộp lỗ kim đơn giản để quan sát. Chỉ cần một chiếc hộp giấy cứng, một tờ giấy trắng, một vài tấm màng nhôm bọc thực phẩm để khoét lỗ tròn bằng một cây kim, dao rọc giấy, kéo, một chiếc kim, băng dán và keo dán giấy.

Vì đây là một hiện tượng hiếm, thế nên cộng đồng mạng đang vô cùng háo hức và sẵn sàng tinh thần để chụp được những bức ảnh để đời.

Theo D.L/Công luận