Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 cũng tăng 9,7%).
Ngoài ra, tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD; tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022 thì ước đạt 215,59 tỷ USD - tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD).
Bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn thực hiện ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là theo thống kê lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 1,09 triệu tỷ đồng (bằng 77,5% dự toán năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, lũy kế chi ngân sách 7 tháng đạt 842.700 tỷ đồng (bằng 47,2% dự toán năm), bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Đáng chú ý là về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 87,1% - gấp 13,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, sau khi mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những tín hiệu tích cực. Những kết quả trên của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện doanh thu và lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú du lịch và vận tải du lịch...
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/buc-tranh-kinh-te-xa-hoi-7-thang-dau-nam-2022-co-nhieu-khoi-sac-299670.html