Nắng nóng oi bức, độ ẩm tăng cao vào mùa hè có thể đem đến cho bạn nhiều điều bất lợi như say nắng, say nóng, rôm sảy, bỏng nhẹ do nắng và có thể cả chứng ung thư da.
Kèm theo với nắng là sự phát triển của nấm, vi khuẩn, virus và các loại côn trùng gây bệnh cho người. Dưới đây là những lưu ý giúp bạn và gia đình phòng tránh và chữa trị các bệnh mùa hè hiệu quả.
1. Đau đầu, viêm họng và sốt
Thời tiết ngoài trời nắng nóng nhưng trong nhà, văn phòng hoặc trường học lại bật điều hòa mát lạnh khiến cơ thể dễ bị cảm nhiệt, cảm nắng thường gây sốt, viêm họng kèm theo nhức đầu sổ mũi...
Ngoài yếu tố thời tiết, các đồ ăn thức uống giải nhiệt như kem, nước đá; thói quen ngủ điều hòa lạnh, bật quạt hướng trực tiếp vào người, thường xuyên tắm nước lạnh... cũng là nguyên nhân gây viêm họng và thanh quản.
Ngoài ra, bệnh còn dễ lây lan thành dịch nếu không có biện pháp phòng và chữa trị kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế các thực phẩm lạnh, đội mũ và mang áo chống nắng khi ra trời nắng gắt, điều chỉnh chế độ quạt hoặc điều hòa phù hợp trước khi ngủ, không tắm nước lạnh khi đổ mồ hôi hoặc tắm ngay khi mới ở ngoài trời nắng về ...
Nếu bị mắc phải các triệu chứng trên thì cần uống nước ấm có nhiều kiềm (nước khoáng, chè xanh), giữ ấm cổ, súc miệng nước muối...Trong trường hợp bị viêm họng và sốt cao kéo dài thì nhất thiết phải uống thuốc kháng sinh vì bệnh này rất nguy hiểm đối với tim và thận.
Có thể bạn quan tâm: Những sai lầm nghiêm trọng khi trời nắng nóng
2. Đột quỵ
Nhiệt độ bên ngoài tăng cao khiến tim phải hoạt động nhanh hơn, trong khi máu bị đặc lại do mất nước và các chất điện giải, dẫn đến tăng huyết áp tăng và các bệnh tim mạch. Đây đều là những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đe dọa sức khỏe và tính mạng.
Khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt, thở nhanh và gấp, mạch đập nhanh nhưng không ra mồ hôi... nên gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, cần chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng gay gắt, mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát và sáng màu, thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể.
Bạn cũng nên tăng cường luyện tập thể dục khi thời tiết dịu nhẹ, bổ sung dinh dưỡng có lợi, hạn chế rượu bia, thuốc lá, các thực phẩm chế biến sẵn sản sinh ra gốc tự do gây hại cho tế bào thần kinh. Việc thăm khám bác sĩ định kỳ để xác định đường huyết, huyết áp, cholesterol, nguy cơ bệnh tim mạch... là cách hiệu quả để phòng ngừa đột quỵ.
3. Các bệnh về đường tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa đứng đầu nhóm các bệnh nội khoa, xảy ra phổ biến vào mùa hè và có thể gây đau tức, đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy...
Nhiệt độ cao rất thuận lợi cho sự thoái hóa thực phẩm và sự phát triển của các loại vi khuẩn và nấm nên thức ăn rất chóng hư hỏng. Các tác nhân gây bệnh có trong thực phẩm thường là E.Coli, Salmonella, Campylobacter, Listeria monocytogenes, Vibrio Cholerae và đôi khi cả virus bại liệt.
Trong mùa nắng, ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... cũng phát triển nhiều hơn nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa (qua thực phẩm và nước uống). Các vi khuẩn gây bệnh có ở khắp nơi. Chúng sinh sôi rất nhanh khi trời nóng và xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống hay tay bẩn.
Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm cần được ưu tiên hàng đầu bằng cách đun chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ tay chân, rửa sạch thức ăn và bảo quản thức ăn đúng cách, không sử dụng thức ăn chế biến lại nhiều lần...
Ngoài ra, bạn cũng cần nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách bổ sung các thực phẩm có lợi cho đường ruột như sữa chua, sữa uống lên men...
4. Các bệnh ngoài da
Trẻ em và người lớn có nguy cơ gặp các bệnh ngoài da nhiều hơn vào mùa hè, đặc biệt là tại các thành phố lớn hoặc nơi đông dân cư. Nguyên nhân là do vi khuẩn, virus, nấm mốc và ký sinh vật sinh sôi, phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng cao.
Thông thường do thói quen đi bơi, tắm biển hoặc bơi lội ở những nơi công cộng vào mùa hè khiến cho bệnh ngoài da dễ lây lan.
Các bệnh da liễu phổ biến nhất là rôm sảy, viêm lỗ chân lông, mề đay, mụn nhọt, lang ben, hắc lào, nhiễm trùng da... Để phòng tránh, cách tốt nhất là giữ vệ sinh thân thể, bảo vệ làn da không bị trầy xước, nếu có vết thương cần che kín nhằm hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Cách phòng tránh: Hạn chế tiếp xúc với người đang mang bệnh viêm nhiễm trùng da, dán kín các vết xước trên da nếu bị, đi dép khi dạo trên bờ biển và không ngồi trực tiếp vào bãi cỏ hay bãi cát. Điều trị ngay khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên như đốm bẩn trên da (hắc lào), ngứa (ghẻ), tróc nứt da chân (nấm).
Có thể bạn quan tâm: Tủ thuốc gia đình bạn cần có những gì
5. Các bệnh do côn trùng hoặc virus truyền nhiễm
Sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, sốt virus... là các loại bệnh thường lây truyền thông qua muỗi và các loại virus, ve, mò, bọ chét....
Sốt xuất huyết gây nên bởi 4 nhóm virus Dengue thuộc họ Arbovirus và lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes Aegypti (đôi khi do cả Aedes Albopictus). Toàn cầu hiện có 2,5 tỉ người sống trong vùng có nguy cơ nhiễm bệnh và mỗi năm từ 20 -50 triệu người đã mắc bệnh sốt xuất huyết - gây tử vong cho khoảng 24.000 người.
Vết cắn của muỗi, ong có thể gây sưng phù, tấy đỏ, nổi hạch, nhiễm độc (nôn mửa, sốt rét, đau nhức xương), đau đầu, sốt cao, thậm chí là gây tụt huyết áp, ngạt thở hay bất tỉnh.
Để phòng bệnh cần thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh, không để trong khu vực sinh hoạt có nước tù động làm nơi tụ tập cho muỗi và các loại vi trùng sinh sản.
Trong gia đình nếu có vật nuôi thì thường xuyên phải tắm rửa, diệt bọ cho vật nuôi. Không nên tiếp xúc quá gần gũi với vật nuôi và không để vật nuôi trèo lên đồ dùng sinh hoạt hàng ngày làm lây lan chấy rận ...
Trong trường hợp có biểu hiện bệnh cần chữa trị ngay vết cắn trong vòng một giờ đồng hồ đầu. Đầu tiên cần lấy nọc độc khỏi vết cắn, hút chất độc từ vết thương, thắt garô phía trên vết thương để ngăn chất độc lây lan, uống thuốc kháng dị ứng hoặc đến bệnh viện gần nhất để được điều trị đúng cách.
6. Bệnh viêm cơ
Dân gian thường gọi viêm cơ là chứng bệnh đau nhức cơ thể. Bệnh thường xuất hiện ở những người ngủ nhiều hoặc ngồi lâu cạnh điều hòa. Triệu chứng cơ nhức mỏi, khó cử động biểu hiện rõ nhất mỗi khi thức dậy, dù không lao động nặng nhọc hay luyện tập quá sức.
Nguyên nhân gây viêm cơ là do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, thói quen mở điều hòa hoặc quạt suốt đêm. Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi, cơ thể thường có phản ứng trì trệ, mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi nhiều hơn.
Viêm cơ không khó để phòng tránh, bạn chỉ cần ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, chăm luyện tập thể dục thể thao và tránh ngồi lâu trước máy điều hòa, quạt điện.
Cách chữa trị: Nằm yên để các cơ được nghỉ ngơi, sử dụng các liệu pháp xoa bóp, làm nóng cơ, dùng gạc tẩm cồn đắp lên phần cơ bị đau và uống thuốc kháng viêm cơ.