Trong 29 bị cáo bị đưa ra xét xử, cơ quan công an xác định: “Nhóm chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” gồm 5 bị cáo: Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (46 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi), Lê Đình Chức (40 tuổi). 

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Nhandan.com.vn

“Nhóm giúp sức” gồm 11 bị cáo: Bùi Thị Đục (63 tuổi), Nguyễn Thị Bét (59 tuổi), Nguyễn Thị Lụa (64 tuổi), Trần Thị La (42 tuổi), Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), Bùi Văn Niên (40 tuổi), Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi), Mai Thị Phần (57 tuổi), Đào Thị Kim (37 tuổi), Lê Thị Loan (54 tuổi), Nguyễn Văn Trung (32 tuổi).“Nhóm tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội” gồm 9 bị cáo: Nguyễn Quốc Tiến (40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Bùi Văn Tiến (41 tuổi), Lê Đình Quân (44 tuổi), Trịnh Văn Hải (32 tuổi), Bùi Thị Nối (62 tuổi), Nguyễn Văn Quân (40 tuổi, tức Quân “mạ”), Lê Đình Quang (36 tuổi), Bùi Văn Tuấn (29 tuổi).

Trong phần thẩm vấn nhóm bị cáo có vai trò chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh và Lê Đình Chức, HĐXX đã cho cách ly các bị cáo và lần lượt lấy lời khai từng người.

Trước tòa, bị cáo Bùi Viết Hiểu khai loanh quanh khiến chủ tọa phải nhắc nhở. HĐXX đã trình chiếu video clip quay lại lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, đồng thời đọc đơn khai nhận tội của bị cáo gửi trước khi diễn ra phiên tòa, tuy nhiên, bị cáo vẫn một mực phủ nhận lời khai tại phiên xét hỏi.

Bị cáo Lê Đình Công thừa nhận là người trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án mua sắm các loại hung khí, lựu đạn, chuẩn bị bom xăng, dao bầu...

Trong khi đó, Lê Đình Chức khai nhận, khi các chiến sĩ công an di chuyển để sang mái nhà bị cáo thì bị cáo dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc từ trên xuống, các đối tượng khác ném bom xăng, gạch đá nên các chiến sĩ công an đã rơi xuống hố ở gần nhà Lê Đình Kình. “Khi nghe hô hoán có người rơi xuống hố, bị cáo đổ xăng xuống, châm lửa đốt, và bị cáo không biết đó là lực lượng chức năng hay… xã hội đen” - bị cáo Lê Đình Chức nói.Bị cáo Lê Đình Công không thừa nhận vai trò chủ mưu cũng như bàn bạc với các bị cáo khác trong vụ án chống lại lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bị cáo này thừa nhận là người trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án mua sắm các loại hung khí, chuẩn bị bom xăng, dao bầu, mua lựu đạn. Đồng thời, Lê Đình Công cho biết, bị cáo mua lựu đạn nhằm mục đích để… giữ đất.

Tại phiên tòa, Lê Đình Công gửi lời xin lỗi đến 3 gia đình có 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, mong các gia đình tha thứ cho các bị cáo. “Sau khi bị bắt, bị cáo mới biết đêm ấy có 3 chiến sĩ công an hy sinh. Bị cáo rất hối hận, bị cáo thành thật xin lỗi 3 gia đình" - Lê Đình Công nói trước tòa.

Các bị cáo  Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển và Lê Đình Chức đều mong được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và pháp luật, HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Giữ nghiêm kỷ cương pháp luật

Vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh không chỉ là mất mát riêng của mỗi gia đình, mà còn là nỗi đau của toàn lực lượng. Bày tỏ ý kiến về vụ việc, nhiều người dân đồng tình, các đối tượng gây án trong vụ án này cần được xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: 

Xét xử đúng người, đúng tội

Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra giữa thời bình với cái chết thương tâm của 3 chiến sĩ công an.

Việc cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương tiến hành điều tra, bắt giữ các đối tượng trong vụ án này đưa ra xét xử là phù hợp quy định pháp luật. Tôi tin ánh sáng công lý trong vụ án này sẽ được sáng tỏ, các đối tượng gây án trong vụ án sẽ được xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Ông Phạm Sông Thao - Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân:

Xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng

Phần lớn người dân đều phẫn nộ, lên án các đối tượng biểu tình, chống đối, dùng vũ khí để đánh trả lại lực lượng làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm khiến 3 chiến sĩ công an bị hy sinh hồi tháng 1/2020.

Tôi cho rằng, đây là những người bị các phần tử phản động lôi kéo, xúi giục, kích động để gây rối. Vì vậy, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, không bao che, dung túng. Đặc biệt, đối với những kẻ chủ mưu, cầm đầu, phải xử lý nghiêm minh, xử lý công khai để Nhân dân biết, từ đó rút kinh nghiệm trong việc xử lý những vụ việc tương tự.

Ông Nguyễn Văn Kích - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đồng Bèn, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai:

Sớm giải quyết dứt điểm mâu thuẫn trong Nhân dân

Vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm do các đối tượng manh động gây rối, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Các đối tượng kích động, gây mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Vụ việc này kéo dài âm ỉ nhiều năm, không được xử lý, giải quyết dứt điểm, dẫn đến “bùng phát” khi các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động, chống phá.

Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở các khu dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cùng đó, phải sớm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tồn đọng, bức xúc trong Nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động, chống phá.

Theo Kinh tế & Đô thị