Doanh nghiệp FDI đóng thuế được bao nhiêu?

Liên quan đến vụ Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever) bị truy thu hơn 575 tỷ đồng thuế khiến dư luận xôn xao, TS. Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay, tiền thuế của nước ta đều do các doanh nghiệp trong nước đóng, công ty nước ngoài, công ty có vốn đầu tư FDI chiếm tỷ lệ rất nhỏ, vì họ được hưởng rất nhiều lợi ích, trong đó có thuế. Công ty Unilever cũng vậy, nếu đơn vị này sai phạm, có dấu hiệu kê khai thuế sai thì cần phải thực hiện nghiêm theo pháp luật.

“Họ được ưu đãi nhiều như vậy mà còn nợ thuế thì phải “đòi” bằng được”, ông Trinh nói.

Ông Chinh cũng cho rằng, mọi hình thức sai phạm mà trốn tránh trách nhiệm thì đều cần phải được kiểm soát chặt và xử nghiêm theo pháp luật, kể cả đó là các doanh nghiệp nước ngoài.

"Chúng ta hay nói FDI tốt, nhưng họ đóng thuế cho nước ta được bao nhiêu %, hay chỉ có nước đi đầu tư mới thu được tiền thuế của các doanh nghiệp này? Chúng ta cần hiểu đúng và tỉnh táo hơn về FDI, đừng chỉ nghĩ nước ngoài là tốt.

Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam được hưởng rất nhiều chính sách, kinh doanh nhiều nhưng đóng thuế thì ít. Chúng ta cứ nói GDP tăng, nhưng lại tính cả doanh thu của các công ty nước ngoài. Trong khi, đó không phải là của mình, họ chuyển hết tiền về nước thì chúng ta còn cái gì?”, TS. Bùi Trinh nói.

 TS. Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế.

 TS. Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề trốn thuế là vấn đề đang xảy ra không chỉ ở các công ty trong nước, mà cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đây không phải là một câu chuyện lạ, nhưng làm sao “họ trốn được thuế” là câu hỏi mà chúng ta không thể bỏ qua. Vì nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ thuế, thất thu thuế xảy ra hiện nay.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh về vấn đề nợ thuế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: "Rõ ràng chúng ta thấy một bài học kinh nghiệm, không riêng gì doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài nợ đọng thuế còn khá phổ biến, như vậy cần tăng cường kiểm soát tốt hơn".

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực: “Với các doanh nghiệp trốn thuế cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Còn nếu trong trường hợp họ vi phạm phải có hình thức phạt theo quy định. Unilever cũng vậy, cần bình đẳng trước pháp luật, nhất là các công ty nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, càng cần phải tuân thủ”, TS. Lực nhấn mạnh.

 TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

 TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

Tuy nhiên, theo ông Lực, các cơ quan quản lý cần hiểu rõ nguyên nhân doanh nghiệp nợ đọng thuế vì lý do gì. Như trong trường hợp của Unilever, một bên nói đúng, một bên nói sai thì cần phải có trung gian hòa giải là 1 bên thứ 3 độc lập để xem xét. Ví dụ như mời 1 công ty kiểm toán. Như vậy mới đảm bảo được tính khách quan và công bằng, không thiên vị ai và cũng không bỏ qua cho bất kỳ đơn vị sai phạm nào.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho những vấn đề trên là doanh nghiệp Formosa. Đơn vị này đã được hoàn thuế nhiều hơn cả số tiền thuế đã nộp. Cụ thể, số tiền thuế và phí mà Formosa nộp ngân sách đến hết tháng 5/2015 khoảng 13.800 tỷ đồng nhưng số tiền doanh nghiệp này được hoàn thuế đã lên đến 14.600 tỷ đồng.

Như vậy, nước ta được lợi gì về thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI?

Cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan

Đó là về phía doanh nghiệp, còn về phía cơ quan thuế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên kiểm toán cũng đã và đang làm chặt chẽ hơn. Như chúng ta thấy, không riêng gì doanh nghiệp trong nước mà cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng có nợ đọng thuế. Có thể thấy công tác về quản lý đã tốt hơn, giảm đi nợ đọng thuế vô cùng quan trọng.

Chỉ rõ hơn về vấn đề này, ông Lực đưa ra ví dụ, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng đã phát hiện ra những vấn đề này như trốn thuế, chuyển giá,… và đang tích cực giảm thiểu vi phạm bằng việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 về chuyển giá, chống thất thu thuế. Tuy nhiên, Nghị định 20 lại đụng chạm tới quá nhiều doanh nghiệp trong nước nên cũng cần phải nghiên cứu và sửa đổi lại cho phù hợp hơn.

Cũng theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để làm tốt công tác thu thuế, tránh gặp phải trường hợp như Unilever thì cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, thuế, kiểm toán, truyền thông… nhưng phải luôn đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và đúng pháp luật.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, đơn vị Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Khi thấy doanh nghiệp Unilever có dấu hiệu nợ thuế thì họ kiểm tra lại và kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh thất thu thuế. 

“Nhưng không nên vì thế mà tự hào, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào một thực tế đắng cay, làm sao các doanh nghiệp trốn được thuế? Bộ tài chính từng đưa ra ý kiến, hơn 60% các doanh nghiệp đã đến gặp cán bộ thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm, thất thu hiện nay ở nước ta”, TS. Bùi Trinh nói.

Cũng theo TS. Bùi Trinh: “Unilever chỉ là một trường hợp về việc truy thu lại thuế, trong khi trường hợp này không phải là cá biệt và bây giờ mới xảy ra. Do đó, công tác quản lý phải được làm tốt hơn và các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để tạo ra được hiệu quả tốt nhất”.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới