Tinh dầu tràm có tác dụng phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, giảm đau nhức xương khớp. Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Hoàng Công Trang, khoa Nhi, Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp, tinh dầu tràm, dầu tràm gió là một loại dầu gió được chiết xuất từ lá của cây tràm. Loại dầu này có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn và diệt nấm.
Phân tích thành phần hóa học của dầu tràm có rất nhiều chất, nhưng chỉ hai hoạt chất có tác dụng là Eucalyptol chiếm 42-52% và α-Terpineol chiếm 5 - 12%. Eucalyptol có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm...
Hoạt chất α-Terpineol chiết xuất từ tinh dầu tràm chính là nguyên liệu để sản xuất nhiều thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu dưới hai dạng sử dụng: bôi thoa trực tiếp hay dạng hít ngửi bay hơi.
Xoa tinh dầu tràm đúng cách cho trẻ có tác dụng phòng ngừa cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp. Ảnh minh họa
Bác sĩ Trang khuyến cáo, có thể sử dụng tinh dầu tràm để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, trị liệu thẩm mỹ, làm đẹp đơn giản và hiệu quả như sau:
Phòng bệnh đường hô hấp: Khi bị hen suyễn, viêm xoang ngạt mũi, khi bị cảm cúm gây chảy nước mũi, ngạt mũi, ho hen hoặc khi dùng để phòng các bệnh trên, hãy hít ngửi trực tiếp tinh dầu tràm bằng cách đựng tinh dầu tràm vào một chiếc lọ nhỏ (10 – 15ml) hoặc nhỏ vài giọt tinh dầu tràm gió vào giấy ăn hay miếng bông gòn và để gần mũi để hít, ngửi.
Ngoài ra, có thể để tinh dầu tràm ở góc phòng, trên bàn học, bàn làm việc, giường ngủ… tinh chất và hương thơm của tinh dầu tràm sẽ dễ dàng bay hơi và lan tỏa khắp phòng. Thường xuyên sống trong không gian có tinh dầu tràm rất tốt cho hô hấp và giúp cho việc phòng các bệnh về hô hấp hiệu quả.
Phòng ngừa cảm mạo, cảm cúm, cảm lạnh: Dùng vài giọt tinh dầu tràm xoa trực tiếp vào cánh tay, bắp chân, lòng bàn chân khi thời tiết thay đổi, bị lạnh đột ngột, khi đi ngủ hoặc khi ra ngoài. Dùng được cho cả người trưởng thành, người già, người bệnh, phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ.
Trị đau mỏi cơ khớp: Dùng vài giọt tinh dầu tràm thoa trực tiếp lên vùng cơ khớp bị đau mỏi và mát-xa đều 10 - 20 phút. Đối với người có da nhạy hoặc trẻ nhỏ cảm cần pha loãng tinh dầu tràm với dầu thực vật như dầu dừa, dầu hạt nho, dầu hạnh nhân…
Thường xuyên massage cho trẻ bằng tinh dầu tràm cũng giúp trẻ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Ảnh minh họa
Chống say tàu, xe: Khi đi xe, đi tàu hãy hít, ngửi tinh dầu tràm hoặc thoa một vài giọt tinh dầu tràm nơi cổ tay, vùng vai, gáy để chống say tàu xe.
Trị mẩn ngứa do nấm hoặc côn trùng cắn: Dùng vài giọt tinh dầu tràm để thoa trực tiếp một lớp mỏng vào vùng da bị mẩn ngứa do nấm hoặc do côn trùng cắn.
Làm mềm và sạch da: Nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào nước ấm để tắm hay để ngâm chân tay giúp da mịn màng, sạch ngứa, sạch mụn nhọt. Dùng tốt cho phụ nữ sau sinh và trẻ nhỏ, người già. Ngày dùng một lần, có thể sử dụng hàng ngày.
Xông hơi thư giãn: Nhỏ 1ml - 2ml tinh dầu tràm vào máy xông hơi cùng với một số các tinh dầu khác như tinh dầu cam, tinh dầu bưởi, tinh dầu lá chanh để xông hơi và thưởng thức hương thơm thiên nhiên hết sức dễ chịu, giúp tinh thần minh mẫn, sảng khoái, xua tan mệt mỏi, cơ thể khỏe khoắn.
Đặc biệt, hương thơm dịu nhẹ dễ chịu của tinh dầu tràm thích hợp xông trong phòng của trẻ, phòng người già, phòng học hay phòng làm việc.
Nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào đèn xông tinh dầu để hương thơm và tinh chất của tinh dầu lan tỏa khắp phòng giúp thanh lọc không khí, diệt trừ vi khuẩn.