Gây nhầm lẫn với sữa tươi
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Pham Xuân Dũng vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả hội nghị “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và chế biến sữa dạng lỏng”. Báo cáo đề cập nhiều vấn đề về quản lý, thực trạng sản xuất và kinh doanh sữa dạng lỏng.
Trong đó, vấn đề khái niệm “sữa tiệt trùng” (loại sữa dạng lỏng làm chủ yếu từ sữa bột hoặc có một phần sữa tươi) gây nhầm lẫn với sữa tươi được đề cập cụ thể.
Theo đó, Ủy ban cho rằng, người tiêu dùng quan tâm hơn tới việc sữa dạng lỏng có được chế biến từ sữa tươi (với lượng chất béo tự nhiên trong sữa) hay không.
Tuy nhiên, khái niệm “sữa tiệt trùng” hiện tại không thể hiện được nội dung này. Ủy ban khẳng định, cách gọi này không phù hợp với thực tiễn sản xuất sữa tại Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Trong tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, đối với sữa dạng lỏng (Codex 206-1999), họ không sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” mà sử dụng hai khái niệm, gồm: “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” - Ủy ban khẳng định.
Ủy ban này đánh giá, việc sử dụng tên gọi này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa tươi (vì giá nguyên liệu sữa tươi cao hơn sữa bột; phải tốn chi phí quảng cáo việc sử dụng nguyên liệu là sữa tươi).
Ủy ban đề nghị Bộ Y tế: “Khẩn trương sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng (QCVN: 5-1:2010/BYT) làm công cụ kỹ thuật để quản lý sản phẩm chế biến sữa dạng lỏng, phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Nghiên cứu, điều chỉnh khái niệm “sữa tiệt trùng”, nên tách thành hai khái niệm: “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” như tiêu chuẩn Codex 206-1999”. Ngoài ra, Ủy ban đề nghị Bộ Y tế sửa đổi quy định theo hướng: Ghi rõ định lượng của các thành phần trong sữa dạng lỏng.
Việc thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng” sẽ giúp người tiêu dùng dễ phân biệt các loại sữa, tạo cơ hội cho chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi trong nước phát triển. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng pha từ sữa bột.
Chính vì vậy, một số ý kiến đã lên tiếng phản đối. Cụ thể, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi ảnh hưởng đến số đông doanh nghiệp sữa trong nước và nhập khẩu sữa vào Việt Nam; nhiều doanh nghiệp Âu, Mỹ đã phản ứng.
Đề nghị điều tiết việc nhập khẩu sữa bột
Trong báo cáo do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban ký gửi Ủy ban Thường vụ quốc hội còn nhấn mạnh bất cập: việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu còn chiếm tỷ trọng lớn, đi ngược lại Quyết định 3399 của Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam là “Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”.
Mục tiêu đến năm 2015, sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít, đáp ứng 35% nhu cầu, đến năm 2020 đạt 1 tỷ lít. Tuy nhiên, tới năm 2015, lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó chỉ có 367,6 triệu lít được đưa vào chế biến sữa dạng lỏng, chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu.
Ngoài ra, việc nhập khẩu sữa bột phục vụ cho chế biến sữa dạng lỏng đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, làm cản trở việc phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, vô hình chung biến người tiêu dùng Việt Nam thành người “nhập khẩu sữa thụ động”.
Chính vì vậy, trong giải pháp và kiến nghị, Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội đề xuất “Có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu để phát triển sản xuất sữa tươi trong nước; nghiên cứu thành lập cơ quan quốc gia về sữa để điều tiết các khâu trong quản lý sữa”.
Đây là đề xuất rất mạnh mẽ nhằm bảo vệ người nuôi bò sữa trong nước và phát triển ngành sữa tươi nguyên liệu./.
Ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mỗi người Việt sử dụng 18 lít sữa/năm; trong khi Thái Lan 34 lít/người/năm, Singapore 45, Ấn Độ 46, Anh 112. Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., sữa dạng lỏng được sản xuất từ 100% sữa tươi. Hiện, Việt Nam chỉ có 28,3% là sữa tươi và mỗi năm tiêu tốn hơn 1 tỷ USD để nhập sữa bột. Ông Chinh đề nghị cần đẩy mạnh phát triển ngành sữa tươi trong nước. |