Bác nông dân tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nói rành rỏi các biện pháp kỹ thuật như quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tạo vùng đệm từ cỏ dại, sử dụng kiến vàng để bảo vệ thiên địch, dùng đèn để bắt sâu bọ… khiến chúng tôi không thể không ngưỡng mộ. Chỉ một ngày trên đất Ân Nghĩa, chúng tôi nhận ra nông nghiệp hữu cơ đã bén rễ từ những vườn bưởi đến vườn rau, ruộng lúa ở đây.
Nông dân Trần Đức Trạng ở thôn Phú Ninh, thành viên của Nhóm cùng sở thích trồng bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa chia sẻ: Khi có cơ hội tham gia những lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, anh nghe như nuốt từng lời, các biện pháp kỹ thuật đã “ngấm vào máu”.
“Sau khi tiếp cận được với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gia đình tôi chuyển đổi 4ha đất vườn đồi từ trồng keo lai sang trồng bưởi da xanh, chuối sáp, na thái, mít thái… canh tác theo hướng hữu cơ, đa tầng, kết hợp trồng cây ăn quả với chăn nuôi gà thả vườn dưới tán cây. Đến nay, gia đình tôi đã có thu nhập từ 300 gốc bưởi đang thời kỳ kinh doanh, sản lượng mỗi năm khoảng 13 tấn. Cuối năm 2022, vườn bưởi da xanh 0,6ha đang cho quả của tôi được cấp chứng nhận hữu cơ, sản phẩm được HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đặt hàng từ lúc cây mới ra hoa”, anh Trạng khoe.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, nắm bắt xu thế của thị trường, chính quyền xã Ân Nghĩa đã định hướng, quy hoạch các vùng trồng tập trung, động viên nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ. Cuối năm 2022, Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert (Hà Nội) - đơn vị tư nhân được Tổ chức quốc tế JAS-ANZ công nhận năng lực đã cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với bưởi da xanh của Nhóm cùng sở tích sản xuất bưởi hữu cơ xã Ân Nghĩa với diện tích 2,5ha có thời hạn 2 năm.
“Ngoài 2,5ha bưởi hữu cơ đã được cấp chứng nhận, hiện trên địa bàn xã Ân Nghĩa còn có hơn 10ha cây ăn quả và 2ha lúa đang được canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhờ đó thu nhập của nông dân cũng tăng theo. Ngoài hiệu quả về kinh tế, nông nghiệp hữu cơ còn mang lại lợi ích xã hội khi môi trường nông thôn ngày càng được bảo vệ tốt hơn”, ông Liên cho hay.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, hiện nay, nông dân tỉnh này rất quan tâm tới kỹ thuật canh tác hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt. Ưu điểm của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là người trực tiếp sản xuất được bảo vệ sức khỏe, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là môi trường các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Nông dân Bình Định bây giờ nắm bắt quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào như chất lượng đất, nước, giống, phân bón rất giỏi và thực hiện rất nghiêm cẩn.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai nhiều mô hình canh tác hữu cơ trên cây lúa, rau màu nhằm giúp nông dân nắm bắt, áp dụng và dần chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang hữu cơ. Quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp truyền đạt kiến thức, “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật canh tác với phương pháp truyền đạt dễ hiểu, dễ áp dụng nhất.
“Khi thực hiện mô hình, chúng tôi triển khai song song điểm trình diễn và điểm đối chứng ngay trên đồng ruộng để nông dân so sánh trực quan, củng cố kiến thức, thuần thục kỹ năng. Muốn nông dân tin tưởng phải có sản phẩm chứng minh kết quả, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm phải bám sát mô hình, thường xuyên trao đổi với nông dân ngay tại mô hình để bà con tiếp thu và có thể áp dụng vào thực tiễn vào sản xuất”, ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ.
Ông Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định phụ trách mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân cho biết, những mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hoài Ân nhờ giảm chi phí đầu vào nên lợi nhuận tăng khoảng 20% so với canh tác thông thường.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/noi-nong-dan-ai-cung-ranh-ve-nong-nghiep-huu-co-d360000.html