Mỗi ngày, người dân TP HCM và ở các đô thị dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy cà tàng chở nhiều can, thùng nhựa cỡ 5-20 lít chứa đầy nước rửa chén đưa đi bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, bếp ăn cơ quan, xí nghiệp, trường học...
Thử đeo bám để tìm gốc gác, PV báo Người lao động ghi nhận nước rửa chén trôi nổi chủ yếu xuất phát từ những hộ sản xuất cá thể ở các quận - huyện ngoại thành hoặc chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) rồi đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Giá bán rất rẻ, khoảng 5.000-7.000 đồng/lít và bán sỉ theo can, không hề có nhãn mác hợp quy.
“Do không qua quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng đúng tiêu chuẩn, các loại nước rửa chén trôi nổi có tác dụng làm sạch thấp. Bên cạnh đó, nước rửa chén trôi nổi có thể chứa nhiều hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới da tay, dư lượng sót lại trên chén bát sẽ gây ra tác hại về sau cho sức khỏe người dùng” - ông Nguyễn Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc marketing Công ty TNHH SANKA Việt Nam, cho biết.
Chuyên gia về chất tẩy rửa, ông Lương Vạn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty CP Mỹ Hảo - cảnh báo: “Chỉ cần 1 thùng phuy là có thể sản xuất được nước rửa chén. Nước rửa chén sản xuất “chui”, dùng nguyên liệu trôi nổi giá rẻ và các hóa chất không rõ nguồn gốc, vừa không tẩy rửa sạch chén bát lại còn dễ nhiễm khuẩn, nguy cơ mất an toàn sức khỏe người sử dụng”.
Các chuyên gia cho biết hầu hết nước rửa chén tên tuổi trên thị trường có hàm lượng chất hoạt động bề mặt (chất có tác dụng làm sạch chén bát) khoảng 15%.
Ngược lại, nước rửa chén không nhãn mác sản xuất “chui” có hàm lượng chất hoạt động bề mặt chỉ ở mức 4%-5%. Đa số người dùng nước rửa chén “dỏm” cứ tưởng được giá rẻ nhưng thực chất đắt hơn hàng chính phẩm, bởi tốn nhiều nước rửa chén nhưng chén bát vẫn không sạch.
Ngoài ra, để tạo độ đậm đặc và bọt, người sản xuất dùng loại hóa chất sánh đặc và chất bạo bọt. Những chất này không có tác dụng làm sạch chén bát, ngược lại còn làm chén bát dơ hơn, dễ nhiễm khuẩn hơn.
Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng việc sản phẩm tẩy rửa, nước rửa chén bát “bẩn” phân phối rộng rãi ra thị trường, cần xem lại hiệu quả quản lý của các lực lượng chức năng.
“Lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở sản xuất nước rửa chén hoạt động chui, làm ra sản phẩm kém chất lượng thì xử lý nghiêm và đưa lên phương tiện truyền thông để người tiêu dùng tẩy chay” - luật sư Đức kiến nghị.
Theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để các sản phẩm “bẩn” này ra thị trường cũng đồng nghĩa sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng bị đe dọa. Các quán ăn, bếp ăn, nhà hàng sử dụng nước rửa chén “bẩn” là coi thường sức khỏe khách hàng nên cũng phải bị lên án.
Theo ông Nguyễn Phạm Trường Sơn, hiện các công ty làm ăn uy tín và có mục tiêu phát triển bền vững đang dần khẳng định vị thế, tái chiếm thị phần vốn từng bị thống trị bởi các tập đoàn nước ngoài. “Nếu biết đặt lợi ích của khách hàng song hành cùng lợi ích của doanh nghiệp, tôi tin chắc doanh nghiệp Việt Nam sẽ sống tốt” - ông Sơn nói.
Sản phẩm nước rửa chén của các tập đoàn nước ngoài chiếm khoảng 50% thị trường toàn quốc nhờ chiến dịch quảng cáo “dội bom” trên hầu hết các báo đài, trong khi nước rửa chén của một số công ty Việt Nam chất lượng tốt, giá hợp lý hơn nhưng vẫn khó bán do ít quảng cáo, lại bị hàng trôi nổi cạnh tranh, “phá đám”.
Mới đây, các thương hiệu nước rửa chén của Thái Lan tràn qua Việt Nam, chất lượng bình thường nhưng giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm nội địa có thương hiệu.
Tình hình đó buộc các công ty trong nước phải đa dạng hóa, làm mới sản phẩm và xây dựng chiến lược giá phù hợp để cạnh tranh. SANKA Việt Nam 1 tháng trước tung nước rửa chén One light ra thị trường toàn quốc, thuộc phân khúc cao cấp và chấp nhận đương đầu cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nước ngoài bằng giá bán rẻ hơn (từ 4%-8%).
“Doanh số khi tung sản phẩm One light ra thị trường đạt 6 tỉ đồng và đang tăng từng ngày. Với chiến lược hợp lý, doanh số One light 6 tháng đầu tăng trưởng 20%/tháng và giữ mức tăng trưởng bình quân 8%/tháng trong 3 năm tiếp theo” - ông Nguyễn Phạm Trường Sơn tiết lộ.
Trước đó theo ANTV, vào sáng 20/10, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện vụ sản xuất, kinh doanh nước rửa bát không có giấy phép tại nhà ông Nguyễn Khải Tú, phường Phước Hòa.
Khám xét tại chỗ, lực lượng công an tạm giữ 75 lít nước rửa bát, 1 số hóa chất và công cụ để sản xuất. Được biết, năm 2010, ông Tú đã sản xuất nước rửa chén cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Tam Kỳ thì bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hành chính.
Hàng chục nghìn chai nước giặt, nước rửa bát giả xuất xứ Thái Lan cũng vừa bị cơ quan chức năng TP Hà Nội thu giữ.
Đáng chú ý, những chai nước giặt, nước rửa bát này còn được làm giả mã vạch một cách tinh vi và khi kiểm tra bằng phần mềm đều hiện ra thông tin xuất xứ tại Thái Lan. Thế nhưng, thực tế nguồn gốc của những sản phẩm này từ một cơ sở thuộc làng Triều Khúc, Hà Nội.
Theo tìm hiểu, tại đây, tràn ngập những thùng hóa chất không nhãn mác, đựng trong xô chậu tạm bợ, được trộn lại từ nhiều hỗn hợp không nguồn gốc.
Lợi dụng tâm lý thời gian gần đây nhiều người dân ưa chuộng sản phẩm Thái Lan nên mặt hàng này mỗi ngày đều xuất bán được với số lượng lớn, trên dưới 1.000 chai.
Theo lời khai của chủ đơn vị sản xuất, những sản phẩm này chủ yếu được bán tại khu vực nông thôn với những đại lý phân phối khắp các tỉnh thành./.