Cụ thể, trên website https://suckhoevakhoahoc.tengsucenter.com đăng quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tengsu như thuốc; trái thuần phong mỹ tục; sử dụng danh nghĩa người dùng, danh nghĩa các cơ quan truyền hình, danh nghĩa cơ quan y tế để quảng cáo sản phẩm; đưa các thông tin chưa được kiểm chứng; vi phạm quy định pháp luật.
Theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm Tengsu được Công ty cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam (địa chỉ ở số 40 BT4, Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Điều đáng nói, vào hồi tháng 11/2018, công ty này cũng đã từng bị phạt 30 triệu đồng vì cố tình bán ra thị trường 2 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phù hợp với quy định an toàn thực phẩm bao gồm 7 KICH và Sinh Khí lực.
Đến tháng 9/2019, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục cảnh báo công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực do quảng cáo sản phẩm Kichmen1H quá đà. Hầu hết trên các trang web bán hàng đều rao bán sản phẩm này với những lời lẽ quảng cáo “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh.
Chỉ vì lòng tham, muốn chuộc lợi cho cá nhân, tổ chức mà công ty này sẵn sàng lừa dối người tiêu dùng nhiều lần, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng xử phạt. Việc tái diễn hành vi vi phạm quy định quảng cáo của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực cho thấy sự thách thức các cơ quan quản lý của Bộ Y tế và coi thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ, tình trạng vi phạm về quảng cáo quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, Google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài).
Các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"...
Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung vi phạm như trên. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và môi trường mạng.
Theo quy định, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tuyệt đối không được ghi là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh, không làm thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, quảng cáo quá mức sẽ khiến người tiêu dùng tin theo, dẫn tới hậu quả, bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng” chữa bệnh.