Trồng cây xanh đô thị cần tính toán kỹ. Ảnh: Lê Bảo
Cây xanh liên tục gãy đổ khi gặp mưa bão
Sự việc đau lòng trên là một trong những hồi chuông cảnh báo đối với người dân cũng như cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội. Bởi thực tế tại Hà Nội, dù mùa mưa bão mới bắt đầu nhưng cũng đã chứng kiến rất nhiều trường hợp cây gãy đổ, ảnh hưởng đến người và các phương tiện khi tham gia giao thông. Theo nhiều người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây xanh gãy đổ liên tục khi gặp thời tiết xấu xuất phát từ khách quan và chủ quan. Vậy để hạn chế tình trạng cây xanh gãy đổ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân cũng đặt ra cho những nhà quản lý, đơn vị chức năng những bài toán cần phải thực hiện.
Trước đó, sáng 3/8, khi Hà Nội hứng chịu hoàn lưu của cơn bão số 3 đã xảy ra tình trạng hàng loạt cây xanh gãy đổ trên đường phố. Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội thời điểm đó, các tuyến phố có cây xanh bị gãy đổ bao gồm: Tố Hữu, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Nguyễn Quý Đức, Phan Đình Phùng, Hàng Chiếu, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Tô Hiến Thành, Nguyễn Chí Thanh, Trung Kính, Huỳnh Thúc Kháng…
Trước khi cơn bão số 3 đi qua, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã chỉ đạo các xí nghiệp, đơn vị kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng và cây đang trong thời gian duy trì. Công ty này cũng đã huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng chống thiên tai, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy.
Trở lại câu chuyện đau lòng xảy ra trên phố Trần Đăng Ninh rạng sáng 9/8 khiến một người đàn ông tử vong, nguyên nhân ban đầu được xác định do nạn nhân đâm vào thân cây phượng gãy đổ bất ngờ. Do trong đêm 8/8, rạng sáng ngày 9/8, Hà Nội có mưa to nên cây bị bật gốc. Cũng theo quan sát của PV, đường kính gốc phượng gãy đổ khoảng gần 20cm, ngọn cao 10m và tán rộng khoảng 10m. Đây là cây được trồng từ nhiều năm trước trên vỉa hè cùng với dải phân cách giữa đường Trần Đăng Ninh. Tại vị trí gốc phượng bị bật lên, xuất hiện nhiều rễ cây bật lên khỏi gạch lát. Ngay sau khi cơ quan chức năng khám nhiệm nhiện trường xong, đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tiến hành dọn dẹp để tránh ùn tắc giao thông.
Trông cây xanh đô thị cần tính toán kỹ
Rạng sáng 9/8 trên phố Trần Đăng Ninh, một cây phượng bị đổ ngang đường khiến một người đi đường tử vong.
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, tính đến ngày 4/8, tại Hà Nội có 47 cây xanh bị gãy đổ. Các loại cây gãy đổ chủ yếu tập trung vào nhóm: Xà cừ, lát hoa, phượng, bằng lăng. Đối với những cây bị đổ, nghiêng sẽ giao cho đơn vị quản lý thực hiện trồng dựng lại, chằng chống cẩn thận để đảm bảo cây xanh có thể sinh trưởng bình thường. Đối với cây to bật gốc sẽ được chuyển về các vườn ươm. Nếu cây phù hợp với quy hoạch cây đô thị thì sẽ chuyển lại vị trí cũ sau khi phát triển tốt tại vườn ươm. Nếu không, sẽ thay thế cây phù hợp vào vị trí cũ.
Năm 2016, Hà Nội đã triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020 đã mang lại cảnh quan mới cho đô thị. Sau 3 năm triển khai chương trình trên, hàng loạt tuyến phố có sự thay đổi cảnh quan rõ rệt như: Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Võ Nguyên Giáp, Trần Duy Hưng, Lê Trọng Tấn, Láng Hạ… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã có nhiều ý kiến trái chiều về cách trồng cũng như chủng loại cây xanh trồng thử nghiệm. Hồi tháng 4/2019 vừa qua, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội bất ngờ thực hiện việc chặt hạ, thay thế những cây phượng trên một số tuyến phố như: Láng Hạ, Xã Đàn, Kim Liên...
Nhìn hình ảnh nhiều cây phượng lá còn xanh tốt, nhiều người dân lại đặt câu hỏi về việc chặt hạ này vì trước đó, năm 2016, những hàng phượng vĩ được trồng sát nhau nằm trong chiến dịch "Một triệu cây xanh" của Hà Nội. Nói về việc chặt hạ hàng phượng trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay, những cây phượng bị chặt hạ là những cây yếu, sâu mục. Dù cây còn lá xanh tốt nhưng thân cây đã bị mục một phần và có thể gây nguy hiểm cho người dân đi đường, đặc biệt trong mùa mưa bão.
"Đây là việc làm thường xuyên của chúng tôi. Hàng trăm ngàn cây phượng được trồng sẽ không tránh khỏi một số ít cây hư hỏng, mối mọt. Chúng tôi cũng thường xuyên rà soát các tuyến trồng mới để thực hiện thay các cây yếu và cho đến khi cây phát triển khỏe mạnh, ổn định mới thôi", đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, GS Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm: "Theo tôi không nên phê phán việc cây phượng trồng ở thành phố bởi đơn cử như ở đường Lý Thường Kiệt, phượng rất đẹp, rất to, rất chắc không gãy đổ gì cả. Vì vậy, từ một hiện tượng đừng nên quy kết, phê phán".