Theo đó, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Giá bán sau điều chỉnh của hai loại thép này là 16,24 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý cũng tiến hành giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 16,16 triệu đồng/tấn và 16,56 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán còn 16,06 triệu đồng/tấn và 16,51 triệu đồng/tấn.

Thép Kyoei cũng tiến hành giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và 140.000 đồng/tấn đối với thép D10 CB300, giá bán sau giảm giá còn 16,06 triệu đồng/tấn và 16,46 triệu đồng/tấn.

Đây là lần giảm thứ 8 của giá thép trong nước kể từ ngày 11/5. Như vậy, trong vòng 2 tháng qua, giá thép trong nước đã giảm tới hơn 3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thông báo hạ nhiệt giá thép. (Ảnh minh hoạ)
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thông báo hạ nhiệt giá thép. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài giá thép, các công ty xây dựng cũng cho biết giá một số loại vật liệu xây dựng khác cũng hạ nhiệt theo cũng tương ứng 5-10%.

Lý giải nguyên nhân giảm giá, nhiều doanh nghiệp cho biết, là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép giảm đáng kể. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy, hiện giá các nguyên liệu đầu vào đồng loạt giảm so với tháng 3 năm nay.

Cụ thể, trong báo cáo vừa công bố, VSA cho biết quặng sắt loại 62% Fe ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này cũng giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021.

Ngoài ra, các mặt hàng như thép phế liệu, điện cực graphite, cuộn cán nóng HRC... đều có xu hướng giảm giá so với thời điểm giao dịch đầu tháng 4 năm nay.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 11,43 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoài. Bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 10,55 triệu tấn, tăng 4,1%. Trong đó xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, 9,4%.

Theo Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI thống kê cũng cho thấy, nhu cầu thép trong nước 5 tháng qua đã giảm khoảng 6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm mạnh nhất là tháng 4 và tháng 5 với hơn 30% so cùng kỳ.

Theo SSI cho rằng, nhu cầu yếu hơn đáng kể có thể là do giá thép cao, chi phí vật liệu xây dựng khác cũng tăng nên các công trình xây dựng đình trệ. Đồng thời, do lo ngại việc giá thép tạo đỉnh khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho. Đặc biệt, khi chính sách tín dụng bị hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến các công trình xây dựng nên nhu cầu xây dựng bị ảnh hưởng đến giá thép.

Theo S&P Global, giá thép cuộn cán nóng SAE1006 ở mức 667 USD/tấn CFR ở thị trường Đông Nam Á vào ngày 30/6, giảm 12,8% so với mức 765 USD/tấn vào ngày 1-6, giảm mạnh từ mức cao nhất của năm vào ngày 7-3 là 925 USD/tấn.

Theo Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chi-trong-2-thang-gia-thep-xay-dung-da-giam-8-lan-68960.html