Nhờ đà hồi phục của kinh tế thế giới, xuất khẩu dệt may Việt Nam những tháng đầu năm 2022 tương đối thuận lợi, 8 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ, tháng 9 chỉ còn tăng 11% nhưng tháng 10 và tháng 11 quay đầu giảm lần lượt 4% và 10% so cùng kỳ.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm, trong khi dệt may Việt Nam đang thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng.

Trong trạng thái bình thường mới, dệt may Việt Nam cần có những nỗ lực, giải pháp tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đa dạng hóa nguồn cung và ứng dụng chuyển đổi số được coi là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và bền vững.

Chuỗi cung ứng bền vững

“Chuỗi cung ứng bền vững” không phải là một khái niệm mới trong dệt may và trên thực tế không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề này mới được chú trọng, mà dưới tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam càng nhận thức rõ tầm ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bền vững như thế nào.

Việc thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm, tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ: Trang Nhi
Ảnh minh hoạ: Trang Nhi

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tư duy dài hạn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần định vị lại vị thế của mình. Không còn đơn thuần là gia công công đoạn (CMT), lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá mà phải sớm chuyển đổi sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng). Nếu thiếu đi tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, doanh nghiệp Việt không thể tận dụng cơ hội này để đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, quy trình sản xuất "xanh" hay xây dựng thương hiệu riêng không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn, nguồn nhân lực trình độ cao cũng như khung hành lang pháp lý thông thoáng. Thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều. Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành dệt may rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành để triển khai có hiệu quả.

Hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chính sách tốt có vai trò rất quan trọng để duy trì các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng và cho phép doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và lớn mạnh.

Để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập, về lâu dài nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI.

white-modern-breaking-news-factory-video.jpg
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để có lợi thế cạnh tranh thu hút vốn FDI. Ảnh: Trang Nhi
Ngoài ra, nhà nước cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường ở cả chiều nhập và xuất khẩu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ 4.0, từ đó bắt kịp xu thế để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trung tâm thời trang – Gia tăng giá trị liên kết chuỗi

TS. Phạm Văn Việt - Ủy viên Thường vụ BCH Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đưa ra nhận định tại diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II: Nhằm tạo tiền đề phát triển bền vững, cần thiết phải quy hoạch và hình thành Trung tâm thiết kế thời trang tại Thành phố Hồ Chí Minh (địa phương đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước).
Đây là “sân chơi” cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp thời trang khu vực phía Nam và của cả nước, nơi tập trung các sự kiện thời trang, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách đến tham quan tìm hiểu, mua sắm.

Ông Việt dự đoán: Trung tâm thời trang có thể được xem là hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông qua các chức năng chính: đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu, khu lưu trú cho người lao động, giúp tạo động lực phát triển ngành dệt may.

Trong đó, chú trọng chức năng đào tạo nhân lực để có thể “sản sinh” các nhà thiết kế giỏi, xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao chuỗi giá trị và khẳng định vị thế doanh nghiệp Dệt may Việt Nam trên bản đồ Dệt may thế giới.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/chien-luoc-duy-tri-chuoi-cung-ung-nganh-det-may-373294.html