“Không được phép”
Theo Luật sư Vũ Quốc Bình, Công ty Luật Hợp danh Thiên Quang, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam (ACS) là một công ty thương mại hoạt động theo Luật doanh nghiệp, không phải là một tổ chức cho vay tài chính nên không được phép triển khai các dịch vụ cho vay tiêu dùng như hiện nay.
Theo lý giải của ông Bình, ACS hiện đang “lách luật” bằng cách thay mặt khách hàng đứng ra “mua đứt” sản phẩm với bên bán hàng là các siêu thị điện máy, điểm bán lẻ. Sau khi hoàn tất việc “mua – bán” này trên giấy tờ, về mặt lý thuyết thì sản phẩm đó thuộc quyền sở hữu của ACS và ACS sẽ tiến hành “bán” lại cho khách hàng theo hình thức trả chậm.
Bằng cách “lách luật” này, ACS có thể lý luận rằng họ đang bán cho khách hàng sản phẩm của mình nên họ có quyền áp dụng hình thức trả góp, trả chậm theo Luật thương mại. Tuy nhiên, về bản chất thì hoạt động của ACS vẫn là cho vay tiêu dùng, tức là phải chịu sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức Tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Bởi lẽ, nếu ACS thực sự bán sản phẩm của mình thì họ phải làm việc này tại các điểm bán hàng của ACS chứ không phải là đặt quầy tư vấn tại các siêu thị điện máy, điểm bán lẻ giống như dịch vụ của các công ty tài chính khác như hiện nay, ông Bình giải thích thêm.
“Còn về nguyên lý bán hàng trả chậm, lãi suất của ACS không được vượt quá 20%/năm”, luật sư Bình bổ sung. Tuy nhiên, cái này rất khó để kiểm chứng vì trên lý thuyết, lợi nhuận của ACS chủ yếu đến từ phần hoa hồng bán hàng do các siêu thị điện máy, điểm bán lẻ chứ không đến trực tiếp từ khách hàng bởi công ty này thường niêm yết mức lãi suất trả góp là 0% trong suốt thời gian trả nợ của khách hàng.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc liệu các điểm bán lẻ, siêu thị điện máy có đang "tiếp tay" cho ACS vi phạm pháp luật hay không.
Mảnh đất “màu mỡ” mang tên tài chính tiêu dùng
Thực tế cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết bởi tốc độ tăng trưởng của thị trường này liên tục tăng mạnh trong khi dư địa phát triển vẫn còn rất lớn.
Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng quý I/2017 ước tính tăng gần 30% so với cuối năm 2016, nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng 20-30%/năm trong vòng suốt 7 năm qua, ước đạt hơn 800.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên tiềm năng phát triển của thị trường này được dự báo vẫn còn rất lớn do tỷ lệ tiêu dùng cá nhân so với GDP đang thấp hơn đáng kể so với GDP/người khi chỉ đạt khoảng 65% trong khi các quốc gia có nền kinh tế tương đồng như Philippins đạt mức gần 74% còn Ai Cập là 84%.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm, tiêu dùng sẽ được đẩy mạnh nhờ tốc độ lạm phát giảm, giúp cải thiện sức mua của người tiêu dùng.
Trước đó, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức từng nhận định: Thị trường tài chính tiêu dùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu của người dân.
Phải chăng, do đứng trước một thị trường “màu mỡ”, giàu tiềm năng như tài chính tiêu dùng, bản thân lại không đủ điều kiện để cấp phép hoạt động hoặc do muốn trốn tránh các quy định khắt khe của cơ quan nhà nước nên những đơn vị như ACS đã quyết định hoạt động “chui” suốt nhiều năm qua bằng các hình thức lách luật tinh vi như trên?
Hệ lụy gì từ mô hình ACS?
Theo các chuyên gia tài chính và pháp lý, hành lang pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng hiện đã tương đối hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.
Tuy nhiên, trên góc độ doanh nghiệp, các quy định này được đánh giá là hơi “khó thở” vì quy định rất chặt chẽ về việc huy động vốn đầu vào, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, trích lập dự phòng rủi ro, yêu cầu báo cáo, giới hạn khoản vay ở mức 100 triệu đồng, thay đổi quy định về cách tính lãi, mức lãi suất,…
Để thực hiện đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các công ty tài chính sẽ bị đội chi phí tương đối lớn, đặc biệt là đối với việc huy động vốn và trích lập dự phòng rủi ro.
Trong khi đó, ACS với tư cách một công ty thương mại lại hoàn toàn không phải thực hiện các quy định này, giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào, nhờ đó, ACS luôn niêm yết mức phí cho vay trả chậm thấp hơn 1-2% so với các công ty tài chính “chính danh” khác.
Như vậy, có thể thấy, nếu cứ để hoạt động của ACS tiếp diễn thì đây sẽ là một tiền lệ rất xấu đối với thị trường tài chính tiêu dùng nói riêng và nên kinh tế nói chung vì nó dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khiến quyền lợi các công ty hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời làm giảm sút sự nghiêm minh của pháp luật.