Theo UBND quận Ba Đình, căn cứ vào các quy định pháp luật của Nhà nước và thành phố, Công ty cổ phần May Lê Trực (đại diện là ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là 100 triệu đồng do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 do Sở Xây dựng cấp và hồ sơ thiết kế được xác nhận theo giấy phép xây dựng đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng được cấp phép xây dựng mới.
Với nhiều sai phạm, Công ty cổ phần may Lê Trực - chủ đầu tư công trình, đã bị UBND quận Ba Đình ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 100 triệu đồng.
Cụ thể, về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, hiện chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng và xây dựng thêm tầng 19 (sai so với tổng chiều cao được cấp).
Về diện tích sàn xây dựng, từ tầng 8 đến tầng mái đã xây dựng hết khoảng lùi 3,36m (phía đường Trần Phú kéo dài); tại độ cao 44m (theo thiết kế) đến mái đã xây dựng hết khoảng lùi 15m (phần giật cấp đầu hồi phía Đông); tại độ cao 50m (theo thiết kế) đến mái đã xây dựng hết khoảng lùi thêm 5,3m (về phía Tây) và xây dựng mới tầng 19.
Như vậy, chủ đầu tư đã vi phạm Điểm c Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ- CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và Điểm b Khoản 5 Nghị quyết số 07/2014/NQ – HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Công trình còn bị áp dụng tình tiết nặng do vi phạm nhiều lần quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình đã đồng thời có các biện pháp khác buộc chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện như: Đình chỉ toàn diện thi công xây dựng công trình; yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và lập phương án phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng báo cáo cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên, Đội Thanh tra Xây dựng quận trước ngày 15/10/2015).
Phương án phá dỡ phải xác định rõ thời gian, tiến độ từ khi thực hiện việc phá dỡ đến khi kết thúc và đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 25 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.
Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, chủ đầu tư có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao Quyết định; số tiền phạt nộp vào Kho bạc Nhà nước Ba Đình. Quá thời hạn, nếu chủ đầu tư không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân quận giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên chủ trì, phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng quận chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện của chủ đầu tư; đồng thời xem xét, đề xuất việc xử lý vi phạm của chủ đầu tư; áp dụng triệt để các biện pháp ngăn chặn không để phát sinh thêm vi phạm.
Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành các quy định của Quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên phải chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng (Công an quận, Công an phường, Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra Xây dựng quận, Công ty Điện lực Ba Đình, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình) áp dụng toàn diện các biện pháp ngăn chặn, tổ chức cưỡng chế và xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng của dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại 8B phố Lê Trực.
Chờ cắt
Trước đó, liên quan đến những sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực, Sở Xây dựng HN đã có Văn bản số 9476/SXD-TTr gửi UBND quận Ba Đình yêu cầu chủ đầu tư lập phương án phá dỡ bộ phận công trình vi phạm. Như vậy, tòa nhà này phải cắt bỏ ít nhất 5 tầng (chiều cao vượt 16 mét so với giấy phép được cấp).
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia về xây dựng thì việc “cắt ngọn” này không hề đơn giản. Ông Trương Văn Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam chia sẻ: "Công trình nhà cao tầng số 8B Lê Trực là nơi tương đối phức tạp, nhạy cảm, một phần là quá gần Lăng Bác, gần với khu trung tâm chính trị Ba Đình. Hơn nữa, tòa nhà lại sát đường, không có khoảng không thừa nên việc tháo dỡ hết sức khó khăn".
Theo ông Hải, để tháo dỡ phần vi phạm của tòa nhà số 8B Lê Trực thì cần phải huy động 50-60 công nhân chia làm hai ca, đồng thời sẽ mất khoảng 6 tháng mới hoàn thành. Kinh phí dự tính khoảng 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngày 13/10, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: "Chúng ta xử rất nhiều công trình vi phạm, thế nhưng vẫn để xảy ra trường hợp nhà 8B Lê Trực. Giờ không cần biện pháp gì mới lạ, cứ đúng quy định mà làm thôi. Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, xây sai 16m cắt đi 16m, không giật cấp thì yêu cầu giật cấp. Biện pháp khá đơn giản”.
Cũng theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, thành phố đã báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ tướng. Báo cáo được Bộ Xây dựng đồng tình cả về nguyên nhân, chủ trương xử lý. Nếu Thủ tướng chỉ đạo gì thêm nữa thì thành phố chấp hành nghiêm. Riêng về khía cạnh an ninh, Thủ tướng giao Bộ Công an có ý kiến.
“Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cũng phải kiểm điểm, xử lý nghiêm túc những người đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo. Đến lúc báo đăng thì lãnh đạo mới biết”, Bí thư Nghị nhấn mạnh./.