1. Chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa thúc giục các địa phương chủ động, quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trương một, các đồng chí bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh phải có biện pháp mười để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị.

Câu nói này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, nhưng cũng truyền đi thông điệp tất cả phải hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế, tuy 6 tháng đầu năm 2020 kinh tế cả nước vẫn tăng trưởng 1,81%, nhưng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Và dù quốc tế đánh giá lạc quan về mức tăng trưởng này, nhưng điều đó đã cho thấy nền kinh tế bắt đầu “hụt hơi và mất động lực”. Tăng trưởng trong nước quý II-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ đạt 0,36%.

Các chỉ số thống kê 6 tháng đầu năm 2020, nhất là chỉ số đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, như Thủ tướng Chính phủ ví là “cỗ xe tam mã” của tăng trưởng cũng đều thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý, việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công - được kỳ vọng sẽ kích đẩy tăng trưởng, mới đạt 33% tính đến hết tháng 6-2020. Trong khi đó, giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) rất thấp, mới đạt 10%.

Với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 3%-4% trong năm 2020, nếu nhìn vào chặng đường còn lại của năm, lại càng hiểu hơn sự “sốt ruột” của Thủ tướng Chính phủ. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Như vậy trong nước, “mục tiêu kép” không để dịch bệnh trở lại và nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều trở ngại và thách thức.

2. Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái "bình thường mới", tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, “di chứng” của dịch Covid-19 cũng để lại rất nặng nề, cho nên “một tinh thần tiến công mạnh mẽ” để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Cụ thể, đó là việc nhận diện rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời. Đi đôi với từng bước mở rộng thị trường quốc tế là thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa; quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…

Trong những tháng còn lại của năm 2020, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hành động, cụ thể hóa chủ trương bằng giải pháp và chuyển hóa thành kết quả tăng trưởng kinh tế. Rõ ràng, giải ngân đầu tư công sẽ phải thực hiện công việc gấp đôi và phải là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương. Thủ tục hành chính cũng còn nhiều dư địa cắt giảm; thị trường nội địa cũng cần tiếp tục được đầu tư tạo đầu ra cho doanh nghiệp... Nhưng hơn cả, cần giải quyết sự trì trệ, thờ ơ của một bộ phận cán bộ trong thực thi nhiệm vụ; xóa bỏ tình trạng đủng đỉnh, tiếp cận và giải quyết vấn đề kiểu "trạng thái bình thường cũ" chứ không phải "bình thường mới".

Với vai trò đầu tàu, thành phố Hà Nội đã cam kết đạt mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,3 lần tăng trưởng chung của cả nước. Thành phố cụ thể hóa cam kết bằng hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, khai thông thị trường nội địa, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công…

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã và đang tích cực khai thông các vướng mắc trong cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, để cùng tìm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là thành phố Hà Nội cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất phối hợp xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội sẽ dành kinh phí tối đa đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm tạo dư địa phục vụ đầu tư, phát triển và tăng nguồn thu. Hà Nội với Bộ NN&PTNT cũng thống nhất đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế chung. Hai bên cũng đã bàn các giải pháp gỡ vướng cho việc phát triển khu vực ngoài bãi sông Hồng, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kết luận “khu vực này không chỉ là nền tảng cho phát triển nông nghiệp mà còn là nguồn lực xây dựng Thủ đô”.

“… Càng khó khăn càng phải phấn đấu, khó khăn một phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi”. Điều này đã được chứng minh trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Và tinh thần này cần được phát huy hơn nữa trên mặt trận khôi phục kinh tế, để chủ trương của Chính phủ được các bộ, ngành, địa phương chuyển hóa thành giải pháp, kết quả cụ thể.

Theo Hà Nội Mới