Chùa Hoè Nhai có tên tự là "Hồng Phúc tự", nằm ở số 19 phố Hàng Than (Hà Nội). Chùa được tạo dựng vào thời hậu Lý, khuôn viên của chùa trước kia rất rộng, sang thời Pháp thuộc mới bị thu hẹp lại.
Chùa Hoè Nhai nằm ở số 19 phố Hàng Than - Ảnh: Internet |
Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công trên diện tích khoảng 3.000 m2, gồm 2 tòa bái đường 5 gian, chính điện 3 gian, nhà tổ 7 gian. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hoè Nhai là 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Chuông đồng được đúc vào niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883) nhà Nguyễn - Ảnh: Internet |
Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Tấm bia đá, cổ nhất là bia Chính hòa thứ 24 (1703) - Ảnh: Internet |
Tương truyền trước đây, những người thi đỗ đạt thường đến chùa trồng một cây Hòe để làm kỷ niệm bởi một đời cây dài bằng một đời người. Cũng có thuyết giải thích rằng, theo điển cố quy hoạch kinh đô cổ thì “đông Hòe, tây Liễu”, đường phố phía đông kinh thành trồng cây Hòe, đường phố phía tây trồng cây Liễu. Nay gần chùa Hòe Nhai còn một đường phố cắt ngang phố Hàng Than mang tên phố Hòe Nhai.
Đặc sắc nhất ở ngôi chùa cổ thời Lý này là bức tượng một vị phật ngồi trên lưng vua Lê Hy Tông, đặt ở góc phải phía sau của chính điện. Bức tượng này là độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có bao nhiêu người được chiêm ngưỡng là bấy nhiêu sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi được nghe về huyền tích sự ra đời của tượng.
Tượng phật ngồi trên lưng vua là bức tượng nổi tiếng tại chùa Hòe Nhai - Ảnh: Internet |
Tượng phật ngồi trên lưng vua hay còn có tên gọi khác là Vua sám hối. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của bức tượng bắt nguồn từ thời vua Lê Hy Tông (1663-1716), vị vua thứ 10 của nhà Lê. Năm 1678, vua ra sắc lệnh đuổi hết tăng ni lên rừng, ai ngoan cố không rời khỏi kinh thành sẽ bị khép vào trọng tội và đem xử trảm khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh. Thiền sư Chân Dung Tông Diễn, Tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam, thấy vậy đã dâng lên vua một chiếc hộp nói là ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại. Nội dung bên trong chủ yếu nói về việc "đời Lý, Trần các vua vì hết sức coi trọng đạo phật mà quốc gia thịnh trị, khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia".
Tương truyền sau khi đọc xong, nhà vua chợt bừng tỉnh, lập tức cho mời nhà sư vào triều để cúi mình tạ lỗi, thu hồi lại sắc lệnh cấm Phật giáo. Vua Lê Hy Tông hứa với thiền sư Tông Diễn rằng, ông sẽ sửa mình và cho người tạc bức tượng phật ngồi trên lưng vua đặt trong chùa Hòe Nhai. Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo.
Chùa được tu bổ ngày càng khang trang, sạch đẹp - Ảnh: Internet |
Kể từ đời Hòa thượng Thủy Nguyệt đến nay, ở chùa Hòe Nhai đã có 48 vị tổ sư, trong đó có nhiều vị được triều đình phong sắc. Hiện nay, ở nhà tổ của chùa còn trưng bày một đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750) do vua Lê Hiển Tông phong cho vị sư Trần Văn Chức. Hòa thượng Thích Đức Nhuận, nguyên Pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam cũng trụ trì ở chùa này, ngài đã viên tịch tháng 12 năm 1993. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 tại chùa đã diễn ra cuộc họp các vị tăng, ni, phật tử Thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến chính phủ cách mạng; tiếp đó cũng tại đây đã diễn ra sự kiện thành lập Hội Phật giáo cứu quốc.
Chùa Hòe Nhai được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1989 - Ảnh: Internet |
Chùa Hoè Nhai được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1989. Chùa hiện nay được tu bổ khang trang sạch đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương cũng như khách du lịch trong, ngoài nước. Đặc biệt là vào các dịp đầu xuân năm mới, những ngày lễ, tết tại chùa có tổ chức nhiều nghi lễ phật giáo trang trọng và linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ phật, vãn cảnh chùa.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chua-co-hoe-nhai-va-huyen-tich-ve-buc-tuong-vua-cong-phat-doc-dao-5326.html