Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu đã bị xử phạt, thậm chí tước bằng lái xe. Đây được xem là biện pháp mạnh để hạn chế, giảm thiểu hành vi lái xe khi uống rượu, bia.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc xử phạt mạnh tay với các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn giao thông cũng có một số ý kiến tỏ ra lo ngại: Liệu sau khi ăn một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, thuốc có dung môi cồn khi ăn, uống vào có nồng độ cồn trong máu mà bị yêu cầu thổi nồng độ cồn thì cũng bị xử phạt.
Giải đáp băn khoăn này, ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết: Đây không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ô tô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông đường bộ năm 2009. Đến nay Luật này thực hiện vẫn bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này.
Trong thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt.
“Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choáng, phóng nhanh, vượt ẩu; khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia thôi. Việc ăn hoa quả, thực phẩm cũng không tỏa ra hơi cồn như sử dụng rượu bia dù đứng gần nên cũng khó biết được. Mọi người còn có quyền giải trình, khiếu nại theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, mọi người không nên lo ngại”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế bày tỏ.
Đối với băn khoăn về thời gian sau khi uống bao lâu để hết nồng độ cồn trong máu, ThS-Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Khó trả lời chính xác vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng, chủng loại, nồng độ rượu, sức khỏe, “tửu lượng” của từng người; uống càng nhiều thì nồng độ càng cao…
“Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
ThS. Trần Thị Trang bày tỏ, mọi người không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị xử phạt mà quên và làm nhẹ đi những mục tiêu tốt đẹp của Luật là cảnh báo tác hại của rượu bia và giảm sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và hệ luỵ xã hội, kinh tế do rượu, bia gây ra, nâng cao ý thức của mọi người để sử dụng rượu bia một cách văn minh, ít nguy cơ nhất.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-1-2020, đối với người điều khiển xe ô tô điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì xử phạt 3-5 triệu đồng; mức xử phạt cao nhất là 30-40 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở kèm tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.
Với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; Với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ cũng bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Khi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 200-300 nghìn đồng.