Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài ở nước ta tới hết tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo.
Năm nay, ban tổ chức đã bố trí 4.500 đò để phục vụ lễ hội, các đò được gắn biển số để ban quản lý kiểm soát, tránh tình trạng các chủ đò chèo kéo, chặt chém du khách. Tuy nhiên, nhiều đò vẫn chở quá số người quy định.
Lễ khai hội chùa Hương năm nay được siết chặt để tránh tình trạng tranh giành cướp lộc như năm 2017. Từ 8h sáng, các nhà sư và ban tổ chức kết thành hai dải vải ngăn cách khu vực làm lễ tránh tình trạng chen lấn.
Ban tổ chức cho biết, sau khi làm lễ không phát lộc như mọi năm tránh tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy để cướp lộc.
Du khách trẩy hội Chùa Hương từ đêm hôm trước. Ảnh: Zing
Ngay từ sáng sớm, đã có hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về tham dự lễ hội. Lượng người đổ về quá đông có lúc gây nên cảnh hỗn loạn, quá tải.
Nhiều người ở tỉnh xa phải đi từ 12h đêm, du khách từ trung tâm Hà Nội đi từ 1-2h sáng, tới bến Đục vào khoảng 3-4h sau đó lên thuyền xuôi dòng suối Yến. Dù sớm nhưng cảnh ùn tắc thuyền bè vẫn diễn ra ngay trên bến.
Theo ban tổ chức, riêng trong ngày mùng 5 Tết, 50.000 lượt du khách đã trẩy hội, còn tính từ đầu năm mới Mậu Tuất đã có tới hơn 120.000 người (tính theo đầu vé qua cổng).
Lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn và đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt.