Cụm từ “công viên nghĩa trang” từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người, bởi nơi đây vừa là nơi đặt mộ phần của người thân trong gia đình, vừa là nơi có thể nghỉ dưỡng mỗi khi có dịp lên thăm mộ phần.
Sở dĩ gọi là thanh minh của “người giàu” là bởi người mua phải bỏ số tiền hàng tỷ đồng để có được phần đất để đặt mộ tại công viên nghĩa trang.
Chính vì lẽ đó, “người giàu” cũng được hưởng nhiều dịch vụ đi kèm hợp đồng mà với các nghĩa trang "bình dân” sẽ khó có được, như dịch vụ: Thắp hương, nhang, đèn định kỳ 2 lần/tháng (vào ngày mồng một và rằm âm lịch hàng tháng); dịch vụ cắt, tỉa, tưới cây cảnh, dọn dẹp mộ phần...
Ghi nhận của PV tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình), mặc dù được chăm sóc mộ phần định kỳ, nhưng nhiều gia đình vẫn dành thời gian đến "nhang khói" tận chân mộ. Đặc biệt là vào ngày Tết thanh minh, bởi quan niệm tâm chí thành với người đã khuất.
Chị T. - một người dân sinh sống tại Hà Nội -quyết định mua mộ phần tại công viên nghĩa trang. Chị T. quan niệm, hàng tháng, mộ được thắp đèn, cây được cắt tỉa, dọn dẹp... là gia đình cũng cảm thấy ấm cúng mộ phần.
Một mộ phần tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên trong ngày Tết Thanh minh (mồng 3/3 âm lịch).
Theo nhiều gia đình chia sẻ, khi mua mộ phần tại công viên nghĩa trang, người mua mộ phải sử dụng dịch vụ "mặc định" của bên bán, có thời gian tối thiểu là 50 năm. Với những khuôn viên mộ có diện tích khoảng 100m2, người mua mộ phải chi trả tới hàng trăm triệu đồng cho các dịch vụ chăm sóc mộ phần.
Ông Nguyễn Cảnh An (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội – có mộ phần đặt tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên) cho rằng, gia đình có thể không cần lên tận mộ để thắp nhang, mà mộ phần vẫn được chăm sóc đầy đủ, dọn dẹp sạch sẽ, nhất là vào ngày rằm, mồng một có nhang, đèn cho mộ phần được ấm cúng là gia đình đã quá yên tâm tập trung cho công việc.
Được biết, tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, nếu khách hàng muốn được thắp hương vào ngày chính giỗ, ngày tết Thanh minh, ngày vu lan... thì gia đình phải đặt mua “gói cúng giỗ” riêng với bên bán, bằng cách trực tiếp, hoặc gián tiếp trên website của công ty.
Khác hẳn với Công viên Lạc Hồng Viên, tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (Phù Ninh, Phú Thọ), trước thềm Tết Thanh minh, mọi hoạt động với người âm lại trở nên vắng vẻ.
Mộ phần tại đây cung cấp cho khách hàng cũng rất đa dạng, từ mộ đôi nhất táng, mộ đôi hỏa táng, đến phần mộ gia tộc... Tất cả đều thể theo nhu cầu của từng khách hàng.
Tùy theo yếu tố tâm linh, phong thủy, thế đất, diện tích mà có giá khác nhau.
Ông Vũ Văn Phiên (64 tuổi, trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội – quê ở huyện Trực Ninh, Nam Định) và vợ là bà Võ Thu Hồng (58 tuổi, quê gốc ở Thị trấn Diêm Điền, Thái Bình) luôn quan niệm phải tận tay được chăm sóc mộ phần người thân thì mới yên tâm. Đặc biệt, Tết Thanh minh là dịp duy nhất để con cháu thực hiện trách nhiệm với người quá cố. Điều này khác hẳn với những công viên nghĩa trang. Vì vậy, ngày này, ông Phiên và bà Hồng phải thay phiên nhau về hai quê để thực hiện phong tục tảo mộ, thắp nhang. Ông Phiên cho biết: “Mộ phần các cụ chủ yếu đặt ở quê nên những ngày này, gia đình tôi phải thay phiên nhau trông nhà để về quê làm tảo mộ. Vì quê gốc ở xa nên từ ngày mồng 1 âm lịch, tôi đã về Trực Ninh cùng các anh em họ hàng làm mâm cơm cúng các cụ. Còn vợ tôi thì về quê Thái Bình vào chính ngày thanh minh”.
Trao đổi với PV, thầy Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hoà Bình cho biết, cúng bằng hình thức nào, chăm sóc bởi ai thì đó cũng chỉ là phương thức thể hiện. Với công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão thì phương thức thể hiện của người trần với người quá cố sẽ mỗi ngày một khác. Vì vậy, với việc cúng và chăm sóc mộ, mặc dù chỉ là giải pháp tình thế, thay thế người thân chăm sóc mộ phần nhưng bằng hình thức nào đi chăng nữa thì cũng phải xuất phát từ cái tâm, thể hiện sự trách nhiệm, bổn phận của người trần với người đã khuất và tâm người trần được bình an, thanh thản.
Nhóm Phóng viên