“Mập mờ đánh lận con đen”
Chỉ với 2 năm "trình làng" tại Việt Nam nhưng Miniso đã có tới 40 cửa hàng ra đời. Trong đó, các mặt hàng được bày bán tại chuỗi cửa hàng này cũng hết sức đa dạng về chủng loại và giá thành được đánh giá ở mức thấp, phù hợp với sinh viên.
Tuy nhiên, có không ít khách hàng nhầm tưởng Miniso là thương hiệu của Nhật và bày bán các sản phẩm của Nhật bởi từ logo đến bao bì của các sản phẩm đều xuất hiện tiếng Nhật. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hóa tại Miniso đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ghi nhận của PV, trên bao bì các sản phẩm của Miniso đều cố định có các dòng chữ “Miniso Japan”, “Designed by Japan” và nhiều chữ tiếng Nhật. Điều này vô tình trở thành những dấu hiệu có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn đây là hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản.
Mặc dù, các sản phẩm này đều có nhãn phụ bằng tiếng Việt và ghi rõ xuất xứ hàng từ Trung Quốc nhưng có lẽ vẫn không thể tránh khỏi những hiểu lầm nếu khách hàng không tìm hiểu, xem xét sản phẩm kỹ càng.
Khi PV thắc mắc về việc tại sao logo và nhiều thông tin trên bao bì sản phẩm lại liên quan tới Nhật Bản nhưng tem Tiếng Việt lại ghi xuất xứ Trung Quốc, nhân viên cửa hàng Miniso tại cơ sở 53 Thái Hà (Hà Nội) cho biết, Miniso là thương hiệu của Nhật Bản nhưng lại do bên thứ ba sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi được hỏi về bên thứ ba thì nhân viên ậm ừ, tỏ thái độ né tránh và xin phép đi tư vấn khách hàng khác.
Cũng với câu hỏi như thế, nhân viên cửa hàng Miniso tại tòa nhà IPH Xuân Thủy lại nói rằng họ không nắm rõ.
Bạn Thùy Dương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Khi cửa hàng Miniso ra mắt tại Hà Nội, mình rất hào hứng và phấn khởi vì thấy mẫu mã cũng đẹp mắt và giá thành lại rẻ. Hiếm có hàng Nhật nào mà rẻ như thế nhưng khi cầm trên tay nhiều sản phẩm, mình mới phát hiện ra Miniso không phải là hàng Nhật nên mình không mua nữa”.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp nhầm lẫn Miniso có xuất xứ từ Nhật Bản. Chị Oánh (Tôn Thất Tùng) khi được PV giải thích về nguồn gốc của Miniso vẫn ngơ ngác: “Tôi tưởng đấy là hàng Nhật vì thấy logo có chữ Japan mà”.
Chưa bàn đến giá cả sản phẩm đắt hay rẻ, chất lượng sản phẩm tốt hay không tốt song chính việc mập mờ về quảng bá thương hiệu đang khiến nhiều khách hàng Việt Nam hiểu nhầm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tại chuỗi cửa hàng này. Phải chăng đây là “chiêu trò” tinh vi mà nhà sản xuất Miniso tung ra thị trường, hòng qua mắt người mua hàng?
Liệu có đảm bảo chất lượng?
Đáng chú ý, trong các sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Miniso có nhiều loại mỹ phẩm và nước hoa trực tiếp tiếp xúc với cơ thể con người phần lớn đều có giá chỉ từ 43.000 đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu với mức giá “khiêm tốn” như thế, những sản phẩm này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không?
Trao đổi với PV, chị Hồ Thị Trang (23 tuổi), nhân viên văn phòng bức xúc: “Tôi đã không còn tin tưởng Miniso từ sau khi dùng kem nền có giá khoảng 130.000 nghìn đồng của thương hiệu này. Mặt tôi bị dị ứng và đỏ rát, tiền đi chữa trị còn gấp mười mấy lần. Đúng là không nên tham mỹ phẩm rẻ, chỉ rước họa vào thân”.
Bên cạnh đó, các cửa hàng của Miniso dường như khá “dễ dãi” trong việc bày biện, sắp xếp các sản phẩm lên kệ. Theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng Miniso, nhiều sản phẩm bị móp, méo, bẩn hay bao bì bị rách, nhòe chữ vẫn được bày bán trên kệ.
Ngoài ra, Miniso liên tục tung ra những chương trình ưu đãi như giảm 40% hay mua 1 tặng 1 bất kỳ để thu hút khách hàng. Liệu rằng với giá thành đã quá “khiêm tốn” như thế nay lại còn thêm ưu đãi “khủng” thì những sản phẩm đấy có thật sự đảm bảo chất lượng để tới tay người tiêu dùng hay không?
Giá cả thấp cộng với thiết kế bắt mắt nên Miniso đã thu hút rất đông khách hàng trẻ là học sinh, sinh viên nhưng thiết nghĩ, khách hàng nên xem xét, tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định mua và sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.
Có thể nói, Việt Nam là thị trường lớn và tiềm năng cho các ngành hàng nhập khẩu. Chính vì thế, hiện nay có vô số các thương hiệu “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo một đằng, sản phẩm một nẻo xuất hiện tràn lan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.