Anh bạn nhà văn rất thân vừa mail cho tôi cái truyện ngắn về Tây Nguyên, nhờ tôi một việc: "Đọc hộ, xem có chi tiết nào về Tây Nguyên sai thì... sửa giúp".
Trong những chi tiết tôi lọc ra, có việc thay toàn bộ chữ "bản" thành "làng".
Làng thì nó cũng là chữ của người Việt, chứ bà con không gọi thế, nhưng có vẻ nó chuẩn hơn bản.
Tôi cũng không biết cái từ bản của bà con dân tộc thiểu số phía Bắc nó là như thế nào, chứ ở Tây Nguyên, duy nhất hai địa danh có thể gọi là bản.
Một là bản Đôn. Nó chính là buôn Đôn. Và hai là Ban Mê Thuột, tức Buôn Ma Thuột.
Buôn là tiếng Êđê, bản là tiếng Lào.
Buôn Đôn từ xưa đã có rất nhiều người Lào sinh sống, văn hoá Lào còn in rất đậm nét nơi đây, nhất là ở các ngôi nhà ở, và cả nhà mồ. Đây ngày xưa từng là trung tâm giao thương với Lào, Thái Lan. Người ở đây thường mang trong mình hai, ba dòng máu, trong đó đậm nhất là máu Lào, nhiều người mang họ Lào như họ Khăm Phết, nên việc người dân ở đây gọi buôn là bản cũng dễ hiểu. Đôn tức là đảo. Bản Đôn tức là bản đảo, bởi cái làng này nó được con sông Serepoc bao quanh với con thác 7 tầng hùng vĩ, tạo nên một thắng cảnh ngay trong ngôi làng nổi tiếng về voi này, khiến nó gấp đôi sự hấp dẫn.
Bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên thì cũng là "Chú voi con ở bản Đôn".
Nhưng làng này nó ở Đăk Lăk, thuộc vùng nhiều người Êđê và M'nông, nên nó phải là buôn (Bon, Plei, Pơ lây...), và buôn Đôn là vì thế.
Nhiều người không hiểu, cứ "buôn", "bản" tứ tung. Cứ phàm là dân tộc thiểu số ở bất cứ đâu thì đều là bản làng, già bản, là nương, là a lúi, là quăng dao, vân vân...
Buôn Ma Thuột cũng thế.
Thành phố thủ phủ tỉnh Đăk Lăk này từng có tên gọi nữa là Ban Mê Thuột. Nó chính là Bản của Mẹ ông Thuột, theo tiếng Lào. Còn tiếng Êđê, Buôn Ma Thuột tức là buôn của bố ông Thuột. Tên hành chính bây giờ là Buôn Ma Thuột, trong khi nhiều người hay gọi tên cũ là Ban Mê Thuột, không sao, dù nó không đúng tên chính thức nhưng còn có lý, chứ gọi Buôn Mê Thuột là sai bét, thế mà vẫn có nhiều người gọi thế.
Địa danh ở Tây Nguyên còn nhiều chuyện vui nữa.
Như Pleiku chính là "làng đuôi". Chỉ vì thanh niên tranh nhau cái đuôi lợn mà gây khốn khổ cho làng ấy và cho... cả tôi.
Số là cái hồi mới lên Gia Lai nhận công tác ở Ty Văn hóa, việc đầu tiên tôi được giao là tổ chức biên tập và xuất bản cuốn sách "Truyện cổ Gia Lai Kon Tum", và tôi đã đặt truyện cổ tích "Sự tích Pleiku" ở ngay đầu tập sách.
Sách xuất bản, bán ầm ầm. Chẳng hiểu sao hồi ấy sách in tira cao thế mà giờ chỉ lẹt đẹt vài nghìn, thậm chí vài trăm. Cuốn ấy chúng tôi in 30 ngàn bản, hết veo trong vài tháng.
Vấn đề là một hôm, tôi đang vơ vẩn với... Pleiku thì ông phó ty phụ trách nghiệp vụ ầm ầm lao vào phòng, bảo ông Hùng ơi ông Hùng hỡi, ông giết tôi đi. Hỏi có việc hả chú? Thường vụ thị ủy Pleiku, và trực tiếp bí thư có ý kiến về cuốn sách "của ông", rằng ông sỉ nhục dân Pleiku, ông bôi xấu họ, nói họ tham ăn tục uống, trong khi họ kiên cường chống Mỹ, vị tha nhân hậu như thế, tốt bụng như thế, anh hùng như thế, bla bla... Ông đi thu hồi ngay sách về cho tôi, ngày mai phải xong.
Thú thật là tôi... hoảng. Sinh viên mới ra trường, mà ông kia thì mặt đỏ tía tai, dân diễn viên tuồng, nói to lắm. Nhưng hoảng cũng chẳng giải quyết được việc gì, tôi bèn nói cứng: "Chú cho cháu quyết định thu hồi, cháu còn báo cáo trưởng ty rồi mới thu hồi được".
Rồi tôi nhẹ giọng giải thích, rằng: Đây là truyện cổ tích, mà cổ tích thì không thể... định hướng, không thể ca ngợi tuyên truyền, nói tốt nói đẹp cho tỉnh, cho thị xã (hồi ấy Pleiku đang là thị xã) theo hướng dẫn của tuyên giáo ngày nay được. Và Pleiku chính là "làng đuôi" thì chú hiểu nhiều hơn cháu mà (ông này rất hay khoe học ở nhiều trường đại học, sau mới biết té ra không phải thế). Thêm nữa, giờ thu hồi sẽ càng bùng to ra vụ này, sẽ rất buồn cười, vân vân các kiểu...
Sau thì thấy im, không nhắc lại nữa, dù tôi thon thót cả tuần để đợi... quyết định thu hồi. Nhưng ông bí thư cho rằng in truyện "Sự tích Pleiku" là nói xấu Pleiku ấy thì sau còn kiện tôi một vụ ra tận Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nữa, về một bài thơ của tôi cũng liên quan tới Pleiku, rồi Vụ trưởng Vụ văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương là nhà văn Đỗ Kim Cuông có công văn giải thích là bài thơ ấy lành mạnh chứ không phản động như ông ấy nghĩ, thì ông ấy cho là cả vụ trưởng cũng... phản động luôn. Cơ khổ là cái hồi ấy, mỗi tuần ông ấy viết một đơn và photo hàng mấy trăm tờ gửi khắp nơi khiến tôi cũng... chóng mặt và vài người tự xưng là nhà văn thì... hả hê...
Để thấy cái địa danh nó cũng quan trọng phết, nói sai, viết sai về nó là... liệu hồn. Thi thoảng đọc trên báo, thấy nhiều người viết về Tây Nguyên rất ngây ngô, họ ngồi một chỗ và viết về Tây Nguyên theo... ý thích của họ, và nó hết sức xuyên tạc Tây Nguyên. Nên nhân vật kiện tôi kia, nói thế chứ giới văn chương vẫn phải cảm ơn ông ấy, bởi ông ấy còn đọc để mà... kiện. Giờ một số người viết sai, rất sai mà không thấy ai lên tiếng vì... có ai đọc đâu? Là tôi nói một số người viết về Tây Nguyên chứ không phải tất cả ạ.