Nhiều người sang đường, cầu và hầm đi bộ vẫn vắng người
Tình trạng người đi bộ không tuân thủ luật giao thông đường bộ vẫn đang xảy ra khá phổ biến. Trên nhiều tuyến đường, tình trạng người dân bất chấp tính mạng, cắt dòng phương tiện đang lưu thông, luồn lách qua các làn đường để đi tắt sang đường đang đáng báo động.
Trong khi đó, trên những tuyến đường này đã có nhiều cảnh báo cho sự vi phạm luật giao thông nguy hiểm này nhưng dường như không được nhiều người dân quan tâm.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Gia đình & Xã hội, ngay tại những nơi có cầu vượt sang đường và hầm đi bộ như các tuyến đường ở Phạm Hùng, Xuân Thủy, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng (Hà Nội)… thì số người vi phạm băng qua đường vẫn nhiều gấp 2, 3 lần số người sử dụng hầm, cầu vượt.
Nhìn cảnh những học sinh, sinh viên, người cao tuổi vô tư cắt ngang đầu xe cộ không khỏi khiến chúng ta rùng mình lo lắng. Nhiều ô tô vì tránh người đi bộ mà va phải vào các xe khác, nhiều xe máy loạng choạng.
Khi được hỏi về lý do tại sao không sử dụng cầu và hầm vượt, thì đa phần câu trả lời đều là vì “cho tiện”, “quen rồi”.
Anh Nguyễn Đức Hùng (33 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi sợ nhất là đi qua mấy đoạn có các trường đại học, sinh viên cứ lao thẳng qua đường mà không nhìn trước sau. Xe lao qua ngay sát mặt, có lần đang đi thì từ đâu xuất hiện một tốp bạn sinh viên dàn hàng ngang qua đường ngay trước mũi xe khiến xe của tôi và mấy người nữa phải né tránh khiến va vào nhau loạng choạng suýt ngã”.
Tuyến đường Khuất Duy Tiến có nhiều xe tải, xe ben, xe container và nhiều xe máy qua lại nhưng nhiều người vẫn ung dung len lỏi để sang đường. Hầm đi bộ cách đó 250m nhưng bị ngó lơ.
Cầu vượt, hầm đi bộ bị ngó lơ là xử phạt người vi phạm?
Dù đã có những hình phạt được quy định trong Điều 32 luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên việc xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông là điều “hiếm thấy” từ trước tới nay.
Anh Nguyễn Đức Toàn (30 tuổi, Nguyễn Trãi) cho hay: “Việc xử phạt những người đi bộ vi phạm khá bất cập, vì nếu phạt thì chắc nhiều lắm. Đây là do ý thức tham gia giao thông quá kém của một bộ phận người dân. Nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành. Nhà nước xây hầm, cầu tốn hàng chục tỷ nhưng chẳng mấy ai sử dụng”.
Những quy định xử phạt được đi bộ khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều có cả những dường như không mấy ai quan tâm đến quy định này.
Tại Điều 32 Luật giao thông đường bộ có quy định về người đi bộ như sau: Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm.
Tại điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng khi không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc, dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường…
Phải chăng hình phạt cho người đi bộ vi phạm luật là chưa đủ sức răn đe, nên ngày càng có nhiều người bất chấp tính mạng để “tiết kiệm” đôi ba phút cuộc đời.
Về việc người đi bộ vi phạm luật giao thông diễn ra phổ biến phần lớn ý kiến cho rằng do quy định về mức xử phạt qúa nhẹ không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, người dân cũng hiếm thấy lực lượng chức năng xử lý hành vi vi phạm này.
Để người đi bộ không cắt dòng phương tiện giao thông băng qua đường ngay cả khi có hầm, cầu vượt bên cạnh cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt, đồng thời thực hiện nghiêm hình thức xử phạt với người vi phạm.
Thu Phương