Gần đây chương trình “sữa học đường” đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh. Có người lo ngại không phải vấn đề sữa có đảm bảo chất lượng hay không mà còn ở việc trẻ đã nạp đủ chất, đủ cân nặng yêu cầu nhưng vẫn dùng sữa trong chương trình sữa học đường ở trường sẽ gây thêm nhiều tác hại không mong muốn.
Nguyên nhân gây béo phì?
Béo phì là loại bệnh ngày càng phổ biến trên thế giới, không chỉ ở người lớn mà cả ở trẻ em. Đây là tình trạng thừa cân do cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ thừa khiến sự cân đối giữa tỉ lệ cân nặng và chiều cao bị mất đi.
Béo phì có nhiều nguyên nhân như di truyền, chế độ ăn uống nhiều tinh bột, ít chất xơ và lối sống không vận động khiến cho lượng mỡ thừa không được đốt cháy.
Ngoài những nguyên nhân trên thì việc kháng insulin cũng là nguyên nhân gây béo phì ở trẻ. Insulin là một trong những hormone quan trọng để chuyển hóa năng lượng. Nếu cơ thể kháng insulin thì năng lượng sẽ không được chuyển hóa, tích tụ thành mỡ thừa trong cơ thể.
Cha mẹ có thể dựa theo chỉ số BMI để tính toán xem liệu con mình có gặp phải tình trạng béo phì hay không.
Sữa có gây thừa cân béo phì?
Rất nhiều phụ huynh đang lo lắng con họ sẽ bị thừa cân béo phì hoặc đang thừa cân béo phì và uống thêm sữa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, phụ huynh đã hiểu nhầm vấn đề này nghiêm trọng.
PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Theo bà Nhung, khuyến nghị với trẻ từ 3 đến 5 tuổi sẽ dùng 4 đơn vị sữa 1 ngày, trẻ 6 -7 tuổi sử dụng 4,5 đơn vị sữa; trẻ 8 – 9 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa một ngày và với trẻ 9-11 tuổi sử dụng 6 đơn vị sữa một ngày.
Trẻ thừa cân béo phì do chế độ ăn chứ không phải do sữa. Tốt hơn hết, nếu trẻ đang quá cân nặng, hãy giảm bớt chế độ tinh bột, calo và các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Đối với sữa – nguồn cung cấp canxi chủ yếu thì hoàn toàn không cần phải lo nó gây béo phì và hại sữa khỏe. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn một món ăn vặt khác.
Chương trình sữa học đường
Chương trình Sữa học đường trên thế giới đã có lịch sử hơn 100 năm. Tại Châu Á, Nhật Bản chương trình được coi là hình mẫu thần kỳ trong việc cải thiện tầm vóc.
Được bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, chương trình Sữa học đường đã giúp tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất Châu Á, lên mức 1m72 ngày nay. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam hiện tại bị thấp lùn nhất Châu Á.
Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình Sữa học đường là rất cấp thiết nếu Việt Nam muốn cải thiện giống nòi và chất lượng nhân lực.
Mô hình Sữa học đường được Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) kêu gọi và ủng hộ, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và hơn 50 năm tại các nước đang phát triển.
Có thể nói, chương trình Sữa học đường hiện nay đang được lan rộng trên toàn cầu, và được đánh giá là có khả năng làm giảm gánh nặng chi phí cho y tế, giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, đem lại sự phát triển lành mạnh cho trẻ em về thể chất lẫn trí tuệ, nâng cao kết quả học tập. Đây cũng là mô hình giúp ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa phát triển mạnh mẽ.