Mới đây hơn 40 học sinh ở Hải Dương phải vào viện cấp cứu sau khi ăn nhầm bột thông bồn cầu đã gây lo ngại cho nhiều bậc cha mẹ. Sự việc xảy ra trong giờ ra chơi sáng 4/3, một học sinh lớp 5A trường Tiểu học Bắc An ở xã Bắc An (TP Chí Linh, Hải Dương) nhìn thấy 4 túi bột ở gầm cầu thang trường học vì tưởng ăn được đã lấy ra ăn và chia cho các bạn. Ngay sau đó tất cả các em đều có biểu hiện ngộ độc. May mắn là các học sinh được đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng.
Vào năm ngoái, việc học sinh ăn nhầm bột thông bồn cầu cũng đã xảy ra tại Trường mầm non xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An). Một cô giáo sau khi nhận hai gói bột thông tắc bồn cầu từ kế toán nhà trường để xử lý do bận vệ sinh cho một học sinh đã bỏ tạm vào tủ đựng đồ dùng trong lớp học mà không khóa. Em học sinh trong lớp đã mở tủ lấy một gói bột ra chia cho các bạn khác. Hậu quả, 3 em nhỏ đã bị ngộ độc. Dù không nguy kịch tính mạng nhưng các em bị bỏng thực quản, nguy cơ hình thành sẹo dẫn tới hẹp thực quản.
Bột thông bồn cầu là hóa chất có tính chất hóa học mạnh nên rất nguy hiểm nếu ăn phải, dính trên da
Ăn nhầm bột thông cống là một trong những tai nạn khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tại Bệnh viện Nhi TƯ hay Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp ngộ độc từ việc ăn, uống nhầm hóa chất. Có những trường hợp do lượng ăn, uống phải nhiều và cấp cứu muộn đã ảnh hưởng đến thực quản.
Theo PGS.TS Trần Hồng Công – Khoa hóa (ĐH Bách Khoa Hà Nội) bột thông cống, bồn cầu có chứa nhiều hóa chất tẩy rửa mạnh. Thành phần hóa học chính là Sodium Hydroxite, Potassium Hydroxite, Acid Sunfuric… có chứa chất kiềm nên có thể ăn mòn rất nhanh để phân hủy các chất thải như cặn bã thức ăn, rác…
Cũng vì tính chất hóa học mạnh nên khi dùng phải cẩn thận, tránh bị bột dính vào da có thể gây bỏng. Khi tác động lên cơ thể người, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ... gây hoại tử từ bên ngoài vào trong. Nếu ăn phải bột thông cống càng nguy hiểm hơn. Ăn phải lượng lớn axit hoặc kiềm mạnh có thể dẫn đến tổn thương lâu dài ở miệng, thực quản và dạ dày. Mức độ nặng hay nhẹ sẽ tùy vào nồng độ, liều lượng và thời gian mà trẻ nuốt phải.
Cụ thể như acid sunfuric, các chuyên gia hóa học cho rằng, hầu như bất cứ bộ phận nào của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với acid sunfuric đều sẽ dễ bị tổn hại và để lại di chứng nặng nề. Chúng có thể gây tổn thương cho mô, mắt, miệng và đường hô hấp, tiếp xúc ngoài da có thể gây bỏng. Thậm chí hít phải hơi acid sunfuric cũng gây kích thích đường hô hấp với biểu hiện ho, nghẹt thở…
Trẻ con vốn hiếu động, thích khám phá nhưng chưa ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra xung quanh nên người lớn từ gia đình đến nhà trường cần có sự trông nom cẩn thận đối với các bé.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp trẻ nhỡ ăn, uống nhầm hóa chất cần hết sức bình tĩnh vì từng loại hóa chất sẽ gây nên biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau. Với những trường hợp do các chất có tính kiềm cao ăn mòn như bột thông cống cần tránh sai lầm trong việc lập tức móc họng gây nôn hay vội vàng hô hấp cho con. Việc kích thích nôn làm trẻ ho nhiều hơn khiến hóa chất tràn vào khí quản. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng để giảm kích thích niêm mạc, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Tuyệt đối không cho uống giấm hay nước chanh sẽ khiến tình trạng nặng thêm.
Ngược lại, trong trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất trong nông nghiệp thì lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Phụ huynh cho trẻ nằm thấp để tránh sặc vào phổi, hoặc có thể cho trẻ uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc.
Trường hợp hóa chất dính ở da, mắt trực tiếp dù là chất nào khi bị dính vào cũng cần rửa kỹ bằng nhiều nước trong ít nhất 15 phút, không dùng bất kỳ chất dung hòa nào. Cách này sẽ làm trôi và pha loãng hóa chất còn đọng lại trên vết thương. Bỏng do những hóa chất có nồng độ đậm đặc thường sẽ gây tổn thương sâu, điều trị khó và thường để lại di chứng nặng nề.
P.Thuận