Trở lại các sai phạm của cơ sở giết mổ gia súc tập trung Vựa Heo Tý (ngụ P.8, TP, Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) theo báo cáo nhanh của ông Huỳnh Ngọc Vân - PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về các sai phạm của lò mổ Vựa Heo Tý ngày 7/6/2016 như: Dù chưa có chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh về xây dựng cơ sở giết mổ nhưng DN này vẫn tiến hành xây dựng; DN này chưa có đề án đánh giá tác động môi trường; Dự án giết mổ chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, đất xây dựng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng…. chúng tôi phát hiện thêm hàng loạt những bí ẩn trong hoạt động kinh doanh của DN này.
Báo cáo nhanh ngày 7/6/2016 của Chi cục Chăn nuôi Thú y gửi Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: “Lò giết mổ Vựa Heo Tý được hình thành trên cơ sở cải tạo và nâng cấp từ cơ sở giết mổ Nguyễn Dũng. Lò giết mổ Nguyễn Dũng được thành lập năm 2009 với quy mô giết mổ 30-40 con gia súc/giờ.
Đến năm 2012, ông Tý về giết mổ tại lò Nguyễn Dũng và đến tháng 3/2015, lò giết mổ Nguyễn Dũng phá sản và ông Tý mua lại từ lò mổ này, đổi tên thành DNTN Vựa Heo Tý. Đến tháng 8/2015, ông Tý lập dự án cải tạo và nâng cấp lò mổ với quy mô 800 heo/đêm, 3.000 gia cầm/đêm, 100 trâu, bò/đêm”.
Trên thực tế, qua đối chiếu các tài liệu liên quan, chúng tôi phát hiện con số "ma” khi lập dự án của lò mổ này.
Bởi đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của ngành Thú y, hiện tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 25 lò giết mổ gia súc tập trung, đang hoạt động trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố.
Số lượng gia súc được giết mổ tại các cơ sở này 827 con heo/ngày. Vậy vì sao DN Vựa Heo Tý lại “tự tin” đưa ra con số 800 heo/ngày khi lập dự án, xây dựng, cải tạo, mở rộng quy mô của mình trong khi chưa có chủ trương phê duyệt của tỉnh?
Hơn nữa, việc xây dựng lò mổ rất gấp gáp, bất chấp các thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn thiện?.
Theo tìm hiểu, mấu chốt của con số "ma” xuất phát từ Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Thủ tướng chính phủ.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 10, Nghị định 210 về hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nêu rõ: “Công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án phải đạt tối thiểu 400 con gia súc hoặc 4000 gia cầm hoặc 200 gia súc và 2000 con gia cầm”.
Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ các DN.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện này, thì theo Nghị định 210, nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.
Đối với các dự án có công suất giết mổ lớn hơn so với quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 10 thì mức hỗ trợ được tăng tương ứng.
Trong khi đó, tại quyết định số 841/QĐHC-CTUBND về việc phê duyệt “Đề án Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2013-2020”, tại phường 8 thành phố Sóc Trăng quy định rõ: “Doanh nghiệp tham gia đầu tư tại đây chỉ được xây dựng quy mô công suất tối đa 400 heo/ngày và 2.000 -2.500 gia cầm/ngày”.
Như vậy, với việc “vẽ” ra “dự án” giết mổ công suất 800 con heo, 300 trâu bò và 3.000 con gia cầm mỗi ngày tại P.8 (TP Sóc Trăng), đương nhiên, DN Vựa Heo Tý được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ210/2013/NĐ-CP là 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình tìm hiểu toàn bộ vấn đề nổi cộm của nhiều lò mổ tại tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là đơn tố cáo gửi hàng loạt cơ quan chức năng của DN Vựa Heo Tý, chúng tôi phát hiện “âm mưu” thâu tóm thị trường giết mổ của DN này.
Vì sao DN này kiên quyết “bóp nghẹt” một số cơ sở giết mổ khác đang cạnh tranh với mình?
Những người dân kinh doanh phản ứng như thế nào với động thái muốn “thâu tóm” thị trường của DN Vựa Heo Tý?./.