Hoạt động 6 tháng, doanh nghiệp treo biển bán lò mổ
Ông Lý Minh Chánh, Chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vựa heo Tý (P.8, TP.Sóc Trăng) cho biết, năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đã đặt ra mục tiêu thành lập lò mổ gia súc tập trung để tiến tới năm 2015 sẽ xóa bỏ những điểm mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân.
Theo mục tiêu đó, ông Chánh đã đầu tư 35 tỉ đồng xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có diện tích hơn 12 ha, nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Công suất giết mổ mỗi ngày 800 con heo, 300 trâu, bò và 3.000 con gia cầm.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như kế hoạch ban đầu. Đến năm 2015, các lò mổ lậu vẫn ngang nhiên hoạt đông, không hề bị đóng cửa như mục tiêu mà tỉnh đã đề ra, hơn thế nữa, nhiều cơ sở còn mở rộng, tăng lên về số lượng và quy mô.
Chính vì chi phí cho việc giết mổ gia súc thấp đã thu hút người dân tìm đến đây và bỏ qua hoàn toàn những lò mổ hiện đại đảm bảo môi trường.
Vì vậy mà sau 6 tháng hoạt động, lò mổ của ông Chánh đã phải dừng lại vì không đủ chi phí để tiếp tục duy trì. Dù đã kiến nghị với nhiều cấp ngành nhưng yêu cầu và những trăn trở của ông vẫn không được đáp ứng.
Lò mổ của ông bị lỗ nặng nề và phải treo bảng biển rao bán.
Lò mổ lậu ngang nhiên “sống” cùng khu dân cư
Trong khi đó, câu chuyện xảy ra tại ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) lại hoàn toàn khác biệt.
Người dân nơi đây mong muốn có những lò mổ an toàn, hợp vệ sinh, sạch sẽ và xóa bỏ lò mổ lậu nhưng cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, mong ước đó vẫn chưa thể thực hiện.
Nguyên nhân là do sự xuất hiện của một lò mổ lậu nằm ngay trong khu dân cư - là lò mổ của bà Diệp Thị Bảy làm chủ.
Mỗi ngày tại đây giết mổ khoảng 220 con heo và xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề, mùi hôi thối bốc lên ảnh hưởng đến toàn bộ hộ dân xung quanh.
Một số hộ dân sống xung quanh khu vực lò mổ phản ánh, họ vô cùng bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng sớm dừng hoạt động của lò mổ lậu này, trả lại môi trường trong lành như trước đây.
Từ khi có lò mổ, không chỉ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng mà việc hoạt động kinh doanh cũng ế ẩm, khách hàng đến một lần và chẳng quay lại nữa.
Điển hình là trường hợp quán cơm của chị Xuân Mai (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Quán của chị mở ra nhưng không có nhiều khách, nếu có thì họ cũng không trở lại lần 2 để ăn cơm ở quán nữa. Nguyên do được chị Mai cho biết là do mùi hôi thối, xú uế khiến ruồi đến nhiều và đậu vào thức ăn, nước uống khiến khách khó chịu.
“Tôi dùng hết mọi cách rồi mà tình trạng ruồi tràn lan như vậy vẫn không chấm dứt. Khách thì càng ngày càng ít, môi trường ngày càng ô nhiễm, không hiểu người dân của chúng tôi phải sống ra sao nữa”, chị Mai tâm sự.
Sau nhiều năm có sự can thiệp của người dân địa phương, thậm chí là chính quyền sở tại nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Nước thải và phân heo từ lò mổ này xả thằng xuống kênh khiến dòng kênh đen ngòm, hôi thối, nước kênh không thể tưới rau màu khiến chúng bị chết.
Điều đáng nói, dù tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo di dời cơ sở giết mổ gia súc tại xã Đại Tâm nhưng ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Xuyên, lại xin cho lò giết mổ này hoạt động đến hết năm 2016.
Không những thế, ông Hùng cũng kiến nghị cho điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng đảm bảo giữ nguyên công suất giết mổ thực tế 220 con heo/ngày; gia hạn việc di dời lò mổ này đến hết năm 2016 và tỉnh phải có chính sách hỗ trợ di dời lò mổ khỏi khu dân cư.
Chính sự ưu ái bất thường này đang góp phần khiến nhà đầu tư chân chính thua lỗ, còn người dân hằng ngày phải hứng chịu ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 12/5, trong buổi tiếp xúc cử tri tại phường 8, TP.Sóc Trăng (nơi có lò mổ của DNTN Vựa heo Tý đang treo bảng bán), ông Nguyễn Văn Thể - UVTƯĐ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các ngành chức năng phải đi thực tế để giải quyết bức xúc của chủ lò giết mổ lớn nhất tỉnh./.