Nạn nhân trong vụ việc trên là em Vũ Thảo Uyên, học sinh lớp 11C2, trường THPT thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Ngày 23/9, thi thể Uyên được người thân đưa đi mai táng trong sự tiếc thương, thấm đẫm nước mắt.
Một cô gái 17 tuổi với bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu mơ ước bỗng chốc mọi thứ tan thành mây khói. Cái chết quá tức tưởi, quá đau đớn và quá đỗi bất ngờ. Vì đâu ra nông nỗi ấy?
Hẳn là có người đổ tại trời mưa. Hễ cứ mưa là đường biến thành sông như một lẽ đương nhiên ở nhiều địa phương. Có hàng chục lý do mà chính quyền đưa ra để bao biện, người ta chưa một lần thừa nhận rằng đường ngập là do sự yếu kém trong xây dựng hệ thống thoát nước và chắp vá trong quy hoạch các công trình giao thông.
Mỗi khi mưa xuống, nước dâng những chiếc cống "há miệng" trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân. Những xoáy nước có thể cuốn bất kỳ vật gì ở gần nó, trong đó có cả sinh mạng con người.
Cháu Uyên tất nhiên không phải là một trường hợp cá biệt. Vào tháng 10 năm 2016, tại Dĩ An, Bình Dương cũng xảy ra một vụ việc đau lòng tương tự. Một bé trai 8 tuổi khi ra ngoài chơi, gặp trời mưa và bị nước cuốn xuống miệng cống, mất tích 3 ngày mới tìm thấy thi thể.
Mới đây nhất, vào tháng 8 năm 2017, một bé gái đang học lớp 6 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh trên đường đi học về cũng bị sụt xuống một miệng cống nước ngay trên đường trong trận mưa lớn. Thi thể bé gái tội nghiệp được tìm thấy cách hiện trường hơn 1 km.
Năm nào cũng thế, cũng có những tai họa "từ trên trời rơi xuống" như thế nhưng tuyệt nhiên không một ai đứng ra chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này. Đó là sinh mạng con người chứ không phải cỏ rác, thưa các vị.
Có thấy ám ảnh không, khi sau mỗi trận mưa những chiếc lưới được giăng kín các cửa cống để đón lõng xác người xấu số không bị trôi ra sông, ra biển? Một đặc ân đầy nhân văn mà chính quyền một số địa phương có thể làm để lấp liếm sự vô trách nhiệm, vô cảm của mình. Mạng người không thể xuề xòa cho xong, cũng không thể năm này qua năm khác đổ tại...ông trời.
Ai quản lý những cái miệng cống ấy? Những cái nắp cống đã đi đâu? Cả con đường có thể làm được nhưng những cái nắp cống thì lại không thể, vì sao?
Câu hỏi ấy phải có câu trả lời, phải có người chịu trách nhiệm.
Người dân sống ở khu vực nữ sinh lớp 11 vừa mất mạng oan uổng đã than phiền rằng, những chiếc cống đã bật nắp từ lâu, họ đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền để sửa chữa nhưng không nhận được sự hồi đáp, giải quyết. Đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm đầy tính chủ quan.
Đảm bảo sự an toàn cho người dân là trách nhiệm của chính quyền và không thể chấp nhận được sự vô cảm để người dân "sống chết mặc bay" còn tiền thầy vẫn âm thầm bỏ túi.