Theo thông tin trên Báo Gia đình & Xã hội, vào khoảng 17h chiều 21/8, đại diện hãng nước ngọt URC Việt Nam đã mang đến Khu chế xuất Tân Thuận 2 container sản phẩm C2 Ô long để phát cho người dân tại đây. Do đúng vào giờ tan ca, nên các công nhân tại KCX Tân Thuận tập trung khá đông trước cổng để chờ nhận nước ngọt miễn phí về uống.
Đơn vị phát nước yêu cầu người dân xếp thành nhiều hàng dài để phát nước. Tuy nhiên, do lượng công nhân tan ca đổ ra xin nước quá đông khiến các nhân viên tại đây phát không kịp tạo nên khung cảnh nhốn nháo, hỗn loạn.
Tặng đồ uống sắp đến hạn… tiêu hủy
Vất vả để có được những lốc nước “từ thiện” nên nhiều người đã vô cùng bức xúc khi biết sản phẩm mà nhà sản xuất dành tặng cho mình chỉ là mặt hàng đã cận ngày… tiêu hủy.
Theo đó, trên nhiều chai nước giải khát được phát miễn phí có ghi ngày sử dụng là 12/9/2015, nghĩa là chỉ còn chừng 20 ngày nữa là phải tiêu hủy. Chính bởi sự bức xúc này mà ngay tối cùng ngày, nhiều người đã liên lạc với chúng tôi để bày tỏ nỗi bức xúc trên.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Khu chế xuất Tân Thuận 2 là nơi tập trung nhiều công nhân, đa phần đời sống còn hết sức khó khăn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân xác nhận đúng là có việc URC Việt Nam tặng nước giải khát gần hết hạn sử dụng cho người dân.
“Đúng là người ta có phát 2 xe container nước ngọt miễn phí cho người dân và công nhân. Nghe tin đó tôi và một số người thân cũng chạy đến nhận nước.
Tổng cộng cả gia đình tôi nhận được gần 10 lốc nước. Tuy nhiên, khi về kiểm tra thì chỉ còn hạn sử dụng đúng 20 ngày. Nhiều người họ bức xúc lắm, nhưng tôi xem việc đó là bình thường vì mình nghèo không có tiền mà họ phát miễn phí cho mình uống là được rồi”, ông Nguyễn Việt Anh (43 tuổi) làm nghề buôn bán gần KCX Tân Thuận chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi biết công ty đã phát nước ngọt miễn phí nhưng gần hết hạn sử dụng miễn phí cho người dân và công nhân thì tại địa phương cũng có nhiều ý kiến cho rằng điều này là bình thường vì đó là “của cho”. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều người tỏ ra bức xúc và đặt ra các mối nghi ngờ về chất lượng sản phẩm phát miễn phí này.
Anh Nguyễn Huy (người dân ngụ tại quận 7) chia sẻ: “Hôm phát nước tôi có đi xe về ngang qua KCX Tân Thuận và thấy người ta vây quanh rất đông để nhận nước ngọt miễn phí.
Thấy thế tôi cũng chen chân vào xin 2 lốc nước về để mấy anh em trong phòng trọ uống. Chen lấn đến ngẹt thở mới nhận được nước miễn phí. Tuy nhiên, khi tôi kiểm tra lại thì thấy đã gần hết hạn nên tôi ném lại cho một người khác”.
Cũng quan điểm với anh Huy, anh Lê Văn Trường An (quê Bến Tre, đang làm việc gần KCX Tân Thuận) chia sẻ: “Hôm qua khi người nhà tôi mang nước về tôi xem gần hết hạn sử dụng nên vứt ngay vào sọt rác.
Tôi không đồng ý với kiểu công ty giải khát bán ế hàng một loại sản phẩm nào đó, khi gần hết hạn lại “tuồn” cho chúng tôi bằng cách phát miễn phí.
Đối với những sản phẩn gần hết hạn chúng tôi lại đặt ra rất nhiều mối nghi ngờ về chất lượng và an toàn… Chúng tôi nghèo khổ thật những vẫn có đủ tiền để mua nước giải khát uống, chúng tôi không cần kiểu miễn phí như vậy”.
Cần phải xem xét lại hành động từ thiện này
Xung quanh những thông tin về việc hàng loạt công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận nằm trên địa bàn quận 7, TPHCM nhận được nước ngọt sắp hết hạn sử dụng của Công ty URC Việt Nam thì đã có nhiều ý kiến trái chiều về “câu chuyện từ thiện lạ lùng này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP.HCM thì cho rằng, kể cả trong trường hợp quà tặng còn hạn sử dụng nhưng ngắn ngày thì cũng không thể chấp nhận được. Theo vị Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TPHCM thì việc làm từ thiện là cần thiết nhưng bất cứ ai làm từ thiện cũng phải nghĩ rằng, những món quà tặng cho bà con phải dùng được, có chất lượng đảm bảo.
Theo ông Ninh, những chai nước giải khát trên có hạn sử dụng đến ngày 12/9/2015 trong khi đó hôm trao tặng lại là ngày 21/8/2015 thì đây có thể coi là những hàng hoá cận hết hạn sử dụng. Bởi vậy, cần phải xem xét lại hành động từ thiện này.
Nói về công tác tiếp nhận quà tặng từ các nhà hảo tâm thông qua Hội chữ thập đỏ TP. HCM, ông Ninh cho biết, khi tiếp nhận những vật phẩm, lực lượng tiếp nhận của Hội sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng nhất. Tất cả các vật phẩm nhất là những đồ dùng để ăn uống phải vừa sản xuất để hạn sử dụng dài ngày bà con khi sử dụng mới có thể đảm bảo chất lượng được.
Cũng theo ông Ninh, cũng có những trường hợp các nhà hảo tâm hoặc các đơn vị mang quà quyên góp là những thực phẩm hết hạn, tuy nhiên, sau khi kiểm tra, hội sẽ tự tìm cách tiêu huỷ hoặc cho súc vật ăn. “Không thể mang tặng bà con những thứ đồ đó!”, ông Ninh nhấn mạnh.
Theo vị Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TPHCM thì với những vật phẩm là các đồ ăn uống, thuốc men thì khi làm từ thiện yêu cầu tiên quyết nhất là hạn dùng phải dài, đảm bảo chất lượng tuyệt đối vì nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của bà con…
“Việc phúc lợi xã hội, hành động làm từ thiện là rất đáng khuyến khích vì nó là hành động đẹp nhưng yêu cầu tiên quyết là phải xuất phát từ trái tim. Những thứ gì mình m ang đi từ thiện thì phải là đảm bảo mọi yếu tố về chất lượng chứ không phải là đồ thừa thãi gần như đã vứt bỏ lại mang đi từ thiện là không được làm như vậy” ông Ninh nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, sản phẩm nước giải khát của Công ty URC Việt Nam đã nhiều lần bị khách hàng tố là có lỗi. Cụ thể, ngày 14/4/2015, anh Phan Quốc Phúc ở ấp 3, xã Long Thọ, Nhơn Trạch, Đồng Nai lấy sản phẩm Trà xanh C2 Ô Long chanh loại 500ml ra bán cho khách thì phát hiện có một chai đã chuyển sang màu đục, đóng cặn ở đáy chai, có nhiều hạt bằng hạt đậu và mảng chất lạ màu trắng đục nổi lềnh bềnh bên trong chai. Sản phẩm được sản xuất ngày 14/9/2014 và hạn sử dụng đến ngày 14/9/2015.
Dư luận đã được một phen tá hỏa khi anh Thạch Ngọc Tuấn ở khu tập thể ăn uống phố Hồ Xuân Hương, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, (Thanh Hóa) đã “tố” với các cơ quan truyền thông rằng gia đình anh đã mua một lốc nước giải giải khát C2 trong đó có 1 chai chứa đến 5 cá thể… ruồi.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều lần sản phẩm nước giải khát của URC Việt Nam bị khách hàng tố có lỗi, tuy nhiên công ty này đều cho rằng những sự cố trên là đến do va đập trong quá trình vận chuyển./.