Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, cơ sở vật chất hiện hữu của TPHCM như Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng, Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ không đảm bảo đáp ứng cho sự kiện lớn này.

Đặc biệt, công trình trọng điểm là Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc vẫn còn nằm "trên giấy". Nhận thấy các công trình không kịp hoàn thành phục vụ SEA Games 31 nên TPHCM đã xin rút, không đăng cai tổ chức SEA Games 31.

Phối cảnh Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc.

Phối cảnh Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc.

Sau khi xem xét, Chính phủ quyết định giao thành phố Hà Nội là địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021.

Được biết, ngay sau SEA Games 29, TPHCM đã khẩn trương xúc tiến những công việc quan trọng liên quan đến đề án đăng cai SEA Games 31.

Đến đầu năm nay thì hoàn thành đề án và gửi Thủ tướng cùng các bộ ngành. Dự kiến thành phố sẽ tập trung vào xây dựng và cải tạo ba hạng mục chính gồm Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (với một sân vận động 50.000 chỗ ngồi), Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng và Nhà thi đấu Phú Thọ.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 34.000 tỷ đồng, dự án Khu liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc khi hoàn thành sẽ có các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như: Sân vận động 50.000 chỗ để thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.

Ngoài ra, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Thành phố dự kiến đến hết quý I/2018 sẽ đi vào xây dựng dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn nằm "trên giấy".

Dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ năm 2010 với tổng mức đầu tư dự kiến vào thời điểm đó là vào khoảng 988 tỷ đồng.

Đến năm 2013, UBND TP chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.353 tỷ đồng. Theo quan sát, đến nay tiến độ thi công dự án cũng không đạt được như cam kết đề ra do xuất phát từ vốn đầu tư của nhà thầu.

Theo Reatimes.vn