Tòa án nhân dân Quận 1, TPHCM đã thụ lý đơn của ông Bùi Trọng Khâm, có hộ khẩu thường trú ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương khởi kiện Công ty Sony Việt Nam (địa chỉ Tầng 6 & 7, Tòa nhà President Place, 93 Nguyễn Du, Quận 1. Tp. HCM).
Lý do chính để ông Bùi Trọng Khâm khởi kiện gã không lồ ngành điện tử này vì ông cho rằng chính sách bảo hành của Công ty Sony với sản phẩm tivi Sony KDL 42 W700B mà ông mua và sử dụng là không hợp lý, lừa dối người tiêu dùng.
Ngày 29/6/2016, ông Bùi Trọng Khâm đã làm thủ tục đóng tạm ứng án phí theo yêu cầu của Tòa án. Bước đầu Tòa án nhân dân Quận 1 xác định đây là vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa", trong đó nguyên đơn là ông Bùi Trọng Khâm, còn bị đơn là Công ty Sony Việt Nam. Tòa án nhân dân Quận 1 đã phân công Thẩm phán Trương Thị Quỳnh Tâm giải quyết vụ kiện này.
Theo đơn khởi kiện của ông Bùi Trọng Khâm thì ngày 02/10/2014 gia đình ông có mua chiếc tivi KDL 42 W700B mang nhãn hiệu của Công ty Sony Việt Nam tại cửa hàng đại lý số 91 Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Theo giấy tờ kèm theo thì sản phẩm này được bảo hành 2 năm từ nhà sản xuất.
Sau hơn 1 năm sử dụng, ngày 10/07/2015 tivi của gia đình ông Khâm bị hỏng và ông đã thông báo tới Chi nhánh Công ty Sony Việt Nam tại Hải Dương, sau đó nhân viên bảo hành của công ty này đã đến nhà ông để sửa chữa. Tivi tiếp tục hoạt động sau khi được sự hỗ trợ của nhân viên bảo hành. Tuy nhiên đến ngày 21/09/2015 tivi lại bị hỏng tiếp lần thứ 2, lần này nhân viên bảo hành có đến nhà chụp Tivi và nói sẽ gửi thông tin về hãng để giải quyết.
Nhưng sự việc khiến ông Khâm bức xúc đối với Công ty Sony Việt Nam, đó là ngày 23/09/2015, Trung tâm bảo hành đã gọi điện thoại cho ông nói là từ chối bảo hành và đưa ra lý do người dùng đã để nước vào tivi và trời nồm không biết bảo quản tivi. Trung tâm bảo hành của Sony Việt Nam cũng báo giá sửa chữa tivi tại nhà là 7.354.000 đồng và sẽ là 6.900.000 nếu sửa tại cơ sở này. Không đồng ý với quan điểm trên, chiều cùng ngày ông Khâm đã đến làm việc trực tiếp với Trung tâm nhưng không được đáp ứng.
Trong thư giải quyết khiếu nạy gửi cho ông Bùi Trọng Khâm ngày 17/12/2015, Công ty Sony Việt Nam viết: "Tivi đã được quý khách sử dụng một thời gian tại nhà nên công ty không thể biết chính xác nguyên nhân han rỉ đai sắt và mốc cáp bên trong tivi là do đâu, cũng như chúng tôi không thể kiểm tra việc sử dụng và bảo quản sản phẩm của quý khách có đúng hay không". Từ đó Sony Việt nam kết luận rằng không phải do chất lượng sản phẩm mà khả năng là hỏng do người tiêu dùng sử dụng sai hướng dẫn như đặt tivi trong môi trường nóng ẩm hoặc do chất lỏng đổ vào.
Theo thông tin chính thức trên website của Công ty Sony Việt Nam thì thời hạn bảo hành chính thức của sản phẩm được tính từ ngày khách hàng mua sản phẩm căn cứ theo hóa đơn mua hàng hoặc phiếu bảo hành. Cụ thể đối với sản phẩm tivi tời hạn bảo hành của sản phẩm là 24 tháng tính từ ngáy khách hàng mua sản phẩm, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày hết hạn bảo hành gốc. Trong trường hợp sản phẩm không có phiếu bảo hành và khách hàng không cung cấp được hóa đơn mua hàng, ngày hết hạn bảo hành sẽ căn cứ theo thời hạn bảo hành gốc trên hệ thống dữ liệu của Công ty Sony Electronics Việt Nam.
Năm 2014, Sony Việt Nam cũng đã từng dính một vụ lùm xùm khi bị người tiêu dùng tố bảo hành mập mờ. Cụ thể theo đơn tố cáo của chị Lê Thị Diệu Linh ngụ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội thì Trung tâm Sony tại 98 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy (Sony Xuân Thuỷ) có dấu hiệu mập mờ trong thủ tục bán hàng và bảo hành sản phẩm. Đó là chiếc máy Sony Vaio SVE11135CVP (trị giá khoảng 10 triệu đồng) mà chị Diệu Linh mua tháng 9/2013. Ngoài ra, nhân viên tại trung tâm này còn có thái độ cư xử không đúng mực, khiến khách hàng “ấm ức”.
Về vụ án "tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa" mà Công ty Sony Việt Nam là bị đơn như trên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc./.