Mặc dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì nhưng việc lấy danh nghĩa Công ty tổ chức nhiều buổi hội thảo; thuê in ấn, phát hành tập san; đăng các thông tin trên website “otcmax.vn” của Công ty cổ phần OTCMAX (VNCOIN) để quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác góp vốn thực hiện các dự án đã khiến ba lãnh đạo chóp bu của Công ty Thiên Rồng Việt bị CQĐT Bộ Công an bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi lừa đảo đa cấp...
Bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt
Từ tố giác của quần chúng nhân dân, qua xác lập và đấu tranh chuyên án, ngày 17-7, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Phòng Hướng dẫn điều tra án công nghệ cao- Văn phòng Cơ quan CSĐT- Bộ Công an chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng 4/C50) và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là trụ sở Công ty và nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Kế toán, Phụ trách kỹ thuật, tổng Đại lý… của các Công ty cổ phần OTCMAX (từ tháng 9 năm 2017 đổi tên thành Công ty cổ phần VNCOIN), Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt.
Được sự phê chuẩn của Viện KSND tối cao, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 3 đối tượng gồm: Nguyễn Hữu Tiến- 34 tuổi ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, trú tại Phòng 47 Chung cư Silland Tower, đường số 9A, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh là Chủ tịch HĐQT; Phạm Việt Sơn- 60 tuổi, HKTT: TP Quy Nhơ, tỉnh Bình Định, trú tại: Phòng B014 Chung cư EhomeS, phường Phú Hữu, Quận 9, TP Hồ Chí Minh, là Tổng Giám đốc; Nguyễn Hồng Quân- 41 tuổi, trú tại Nhà số 10, khu tập thể đường sắt, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tình Bình Dương, là người phụ trách bộ phận kỹ thuật (IT) của các Công ty này; đồng thời triệu tập làm việc với 10 đối tượng liên quan.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã làm rõ: Nguyễn Hữu Tiến là người sáng lập Công ty cổ phần OTCMAX, giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và điều hành mọi hoạt động của Công ty từ tháng 8 -2016. Đến tháng 9-2017, Công ty này đổi tên thành Công ty cổ phần VNCOIN.
Đường dây lừa đảo đa cấp ‘Thiên Rồng Việt’ bị đưa ra ánh sáng như thế nào ?
Nguyễn Hữu Tiến thành lập công ty Thiên Rồng Việt vào năm 2015, công ty OTCMAX vào năm 2016 (từ tháng 9/2017 đổi tên thành công ty Cổ phần VNCOIN), hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Theo giấy phép, hai công ty này hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, kinh doanh nhà hàng, môi giới, bất động sản, hoạt động kiến trúc…, tuy nhiên trên thực tế thì không sản xuất kinh doanh bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì mà chỉ lợi dụng danh nghĩa công ty để huy động vốn.
Cụ thể, Tiến thuê một số người quen đứng tên cổ đông và giữ các chức vụ khác nhau trong công ty, trong đó thuê Phạm Việt Sơn làm Tổng Giám đốc- người đại diện theo pháp luật; Nguyễn Hồng Quân, phụ trách lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), trả lương hàng tháng và chỉ đạo làm việc cho mình.
Tiến tổ chức nhiều buổi hội thảo, thuê in ấn, phát hành tập san, đăng thông tin trên website otcmax.vn để quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư hợp tác góp vốn thực hiện các dự án (mà công ty của Tiến không hề liên quan) như: mua lại quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở Quảng Phú (Thanh Hóa); đầu tư khai thác mỏ cát nước ngọt tại tỉnh Bình Thuận; hợp tác đầu tư với công ty Xây dựng Bắc Nam để xây dựng trung tâm thương mại tại Thanh Hóa; thậm chí Tiến còn “nổ” là hợp tác dự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai)...
Bằng thủ pháp kỹ thuật, đối tượng Quân tự tạo ra các mã code cho Tiến và các đối tượng chủ chốt của hai công ty VNCOIN và Thiên Rồng Việt để không phải nộp tiền như các nhà đầu tư khác. Song song với đó, các đối tượng được sắp xếp ngồi ở vị trí đứng đầu các nhánh trong cây “nhị phân” của hệ thống góp vốn kiểu đa cấp để các đối tượng này nghiễm nhiên được hưởng toàn bộ lợi nhuận và hoa hồng của cả hệ thống.
Khi nhà đầu tư góp vốn, công ty sẽ ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư, cam kết trả lợi nhuận theo các gói đầu tư liên tục trong thời gian 90 ngày làm việc, với mức cực khủng 1,8% mỗi ngày. Tiến gắn mã code (mã đầu tư) cho các nhà đầu tư, các mã code này chỉ là các dãy số ảo có 9 đến 10 ký tự, có giá từ 2,5 triệu đến 250 triệu đồng.
Thực tế hoa hồng và lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng là lấy từ nguồn vốn góp của chính họ và lấy của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. Bằng thủ đoạn trên, chỉ từ tháng 8 đến tháng 11/2016, Tiến sử dụng công ty ký kết với hơn 6.000 nhà đầu tư, thu tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng...
Kinh doanh đa cấp liệu có vào khuôn khổ?
Kinh doanh đa cấp vốn không phải là lĩnh vực có nhiều mặt trái, nhưng bất cập xảy ra khi những người tham gia hoạt động này cố tình lợi dụng lòng tin, lợi dụng tiền của người khác để vụ lợi. Đáng tiếc là cho dù có hàng loạt điểm vô lý trong những lời chào mời tham gia bán hàng đa cấp nhưng hàng nghìn người vẫn lao vào để rồi trở thành nạn nhân.
Đa cấp biến tướng đã làm họ không chỉ mất tiền của, mà còn mất cả tình thân. Trên thế giới, hoạt động kinh doanh này vẫn phát triển, vẫn có sai phạm nhưng họ đã kịp thời điều chỉnh chính sách tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh này phát triển.
Thực tế, để hoạt động kinh doanh đa cấp phát triển nền nếp, lành mạnh, hạn chế rủi ro, thời gian tới, một Nghị định thay thế Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sắp được ban hành. Nghị định mới có nhiều điểm tiến bộ, chẳng hạn như quy định công ty đa cấp phải có người đại diện đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương thay vì chỉ làm ở chi nhánh như trước đây.
Hệ thống lưu trữ hoa hồng, thông tin hoa hồng, người tham gia… cho người tham gia phải đặt tại Việt Nam để trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng truy vấn được. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng chỉ góp tiền là được chi hoa hồng, không xuất hàng hóa, Nghị định mới yêu cầu doanh nghiệp cấp mã số, hợp đồng, tiền hoa hồng phải trả qua tài khoản ngân hàng. Người mua hàng bằng tiền mặt, nhưng phải trả hoa hồng bằng tài khoản. Khi đó buộc phải có chứng từ kèm theo mỗi mã số người tham gia. Đây là cách quản lý rất chặt chẽ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người tham gia.
Về quy định đào tạo, cứ 10 nhà phân phối tham gia thì doanh nghiệp phải thông báo với địa phương, 30 người tham gia thì phải có giám sát của Sở Công Thương địa phương để tránh trường hợp doanh nghiệp “nổ to”. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự mới được hoạt động kinh doanh đa cấp.
Cùng với quy định này, Hiệp hội Bán hàng đa cấp cũng sẽ buộc các doanh nghiệp tham gia ký cam kết quy chế đạo đức và có giám sát để hoạt động này phát triển lành mạnh, bền vững. Song bên cạnh đó, từ những sai phạm nhìn thấy trong thực tế, người tham gia cũng cần tỉnh táo trước khi tham gia hoạt động này, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho đa cấp biến tướng.