Kiểm tra nhãn mác, nơi sản xuất

Được biết, sau khi có thông tin sản phẩm khăn ướt của Công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc có dấu hiệu thiếu trung thực,  lừa dối người tiêu dùng, Cục quản lý chất lượng hàng hoá đang chuẩn bị tổ chức kiểm tra cùng với Quản lý thị trường để kiểm tra các sản phẩm của công ty này.

Nếu đúng vi phạm về nhãn mác sẽ xử lý theo quy định của 80/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo quy định, nếu chứng minh được vi phạm, nhãn mác không đúng nội dung, BabiCare sẽ phải tạm dừng lưu thông, xử phạt vi phạm hành chính.

Mặt khác, xét thấy những yếu tố ảnh hưởng tới người tiêu dùng có tác động có hại thì sẽ bị công bố công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo người tiêu dùng.

Khăn ướt BabiCare dính nghi án đánh lừa người tiêu dùng

Khăn ướt BabiCare dính nghi án đánh lừa người tiêu dùng

Một lãnh đạo Cục quản lý chất lượng hàng hoá cho biết, hiện cơ quan này đang tìm hiểu thông tin một cách chính xác.

“Vừa qua đã lấy 1 số mẫu khăn đi thử nghiệm có những kết quả đáng ghi nhận để mở một đợt kiểm tra. Quản lý thị trường cũng đưa người đi nắm thông tin chính xác khu vực nào sản xuất, khu vực nào bày bán nhiều và đâu là kho tàng. Trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch để kiểm tra”-vị này cho biết.

Việc kiểm tra cơ sở sản xuất thực hiện theo các quy định về kiểm tra sản xuất nếu xảy ra trong các trường hợp: xuất khẩu hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm trong lưu thông hoặc có kiến nghị, cảnh báo của quốc tế, kiến nghị của khách hàng.

Cố tình gây hiểu nhầm

Những sai phạm trong nhãn mác của BabiCare đã rất rõ. Công ty Việt Úc đã có nhiều cải tiến mẫu mã, gần đây nhất là cách điệu trái tim lên chữ “i” nhưng mục đích cuối cùng cũng là để người tiêu dùng hiểu nhầm là “Baby” chứ không phải “Babi”.

BabiCare cho rằng mình tuân thủ quy định về bảo hộ nhãn hiệu, vậy tại sao trên nhãn phụ và thông tin trên trang chủ website cũng như thông tin quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, Công ty Việt Úc đều sử dụng tên bằng chữ “BabyCare” chứ không sử dụng “BabiCare”?

Như vậy, có cơ sở để khẳng định: Công ty Việt Úc đã cố tình đánh tráo tên thương hiệu, gây hiểu nhầm.

Trên một số trang mạng, Công ty Việt Úc đưa ra Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả để chứng minh mình sở hữu tên thương hiệu BabyCare. Tuy nhiên, theo quy định, Giấy chứng nhận này không có giá trị pháp lý đối với việc công nhận tên gọi chính thức trên nhãn hàng hoá.

Hình ảnh trên web của công ty và thông tin đều thể hiện là BABYCARE

Hình ảnh trên web của công ty và thông tin đều thể hiện là BABYCARE

Còn sản phẩm có dấu “Made in PRC”, từ năm 2007 Việt Úc đã bị chính Siêu thị Saigon Co.op đã thông báo kết quả kiểm tra về văn bản hợp pháp cho CLB Chống Hàng giả, xác nhận sản phẩm khăn ướt BabyCare thời điểm đó hàng chính hãng do Công ty Việt Úc đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Hiện nay, khăn ướt WonderCare có dấu “Made in PRC” hiện vẫn được bán trong nhiều siêu thị lớn chứ không phải sản phẩm kém chất lượng bán vỉa hè như công ty lên tiếng phản biện.

Và trong thực tế vừa qua, cũng chính siêu thị Sài Gòn Co.op trong ngày 16-7 đã rút toàn bộ sản phẩm khăn ướt BabiCare ra khỏi quầy bán hàng của siêu thị này trên toàn quốc. Ngoài BabiCare, các nhãn hàng khăn ướt khác của Công ty Việt Úc như: TeenCare, WonderCare, WeCare… cũng đều bị đưa ra khỏi kệ. 

Được biết, toàn bộ số khăn ướt này sẽ được đưa vào kho và chờ phối hợp với Công ty Việt Úc để xử lý.

Với tinh thần đặt lợi ích, quyền lợi của khách hàng lên trên hết, hiện tại hệ thống siêu thị Co.opMart đang chiếm lĩnh gần 50% tổng thị phần bán lẻ của kênh phân phối siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.  

Sự thật về nhà máy 3 triệu USD

Trên báo chí và trên website chính thức của công ty Việt Úc đăng tải: “Năm 2013, công ty đã khánh thành nhà máy mới tại KCN Tân Bình-TP.HCM với diện tích hơn 2.000m2, tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, được lắp đặt dây chuyền sản xuất tự động, hoàn toàn khép kín theo tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice-Tiêu chuẩn sản xuất tốt áp dụng để quản lý sản xuất trong các ngành: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm,…)”.

Quảng cáo trên website cũng như thông tin trên báo, nhà máy 3 triệu USD là ở KCN Tân Bình-TP.HCM chứ không phải Bình Dương

Quảng cáo trên website cũng như thông tin trên báo, nhà máy 3 triệu USD là ở KCN Tân Bình-TP.HCM chứ không phải Bình Dương

Đến khi bị báo chí phanh phui địa chỉ ở KCN Tân Bình chỉ là một nhà kho chứa hàng thì Công ty Việt Úc lại nói rằng: “Nhà máy sản xuất thì được đặt tại KCN Bình Dương và tại nhà máy này, các khâu sản xuất vận hành đều theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nhà máy tại KCN Bình Dương là nhà máy của Kleen Pak (Singapore) đơn vị gia công cho Việt Úc.

 

Long Nguyễn/Theo Ngày nay Online