Các thông tin trong cảnh báo do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp. Trước đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về thực tập sinh và du học sinh Việt Nam tại Nhật vào cuối tháng 1 vừa qua.
Theo thống kê hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, tình trạng thực tập sinh bỏ trốn và du học lao động bất hợp pháp tại Nhật có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số Cty phái cử và Cty tư vấn du học lừa gạt người Việt Nam để thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao.
Theo khuyến cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, du học trá hình là hình thức phổ biến mà các du học sinh thường bị các Cty môi giới đưa ra để dụ dỗ người lao động như: Vừa đi học vừa đi làm sẽ kiếm được nhiều tiền, hay sẽ thu xếp để được sang Nhật sớm và bố trí công việc ổn định. Người lao động theo đó đã phải đóng một khoản phí môi giới cao. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người mang gánh nặng kinh tế khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản.
Người lao động cần học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu lao động. (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế các em không thể vừa đảm bảo thời gian học ở trường lại vừa phải làm việc vào ban đêm. Vì vậy các em thường là nghỉ học và đi làm các công việc không chính thức và không có hợp đồng lao động hợp pháp. Hơn nữa các công việc dịch vụ đó cũng chỉ có thu nhập thấp, chỉ đủ để trang trải một phần chi phí sinh hoạt cho các du học sinh và các em không thể trả hết nợ.
Bên cạnh đó, cũng có những DN Nhật Bản không thực hiện đúng luật lao động đối với thực tập sinh như: Không trả lương làm thêm cho người lao động và có những Cty môi giới dụ dỗ người lao động ra ngoài làm thêm được trả lương cao và để người lao động bỏ trốn.
Trước tình trạng du học trá hình có xu hướng gia tăng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đưa ra các lưu ý đối với thực tập sinh kỹ năng.
Cụ thể như về chi phí trước khi đi: Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, các chi phí mà thực tập sinh kỹ năng phải trả cho Cty phái cử bao gồm: phí dịch vụ không quá 3.600 USD/hợp đồng 3 năm và phí đào tạo không quá 5.900.000 đồng. Khi đóng các khoản chi phí này cần yêu cầu Cty phái cử làm hợp đồng và có phiếu thu có đóng dấu của Cty.
Pháp luật Nhật Bản nghiêm cấm việc thu tiền ký quỹ và tiền phạt vi phạm hợp đồng. Đồng thời không cho phép trung gian, môi giới thu phí môi giới của thực tập sinh.
Tất cả các thực tập sinh đều phải học tiếng Nhật trước và sau khi sang Nhật Bản. Bởi tiếng Nhật vô cùng quan trọng đối với thực tập sinh trong quá trình sinh hoạt và làm việc tại Nhật Bản.
Với những người có nhu cầu du học và làm việc tại Nhật cần lưu ý: Không sang Nhật Bản làm việc và học tập thông qua các Cty phái cử không có giấy phép của các cơ quan chức năng; Không chi trả chi phí trước khi đi cao hơn quy định. Đặc biệt, không đi du học vì mục đích đi làm việc để kiếm tiền.