Mô hình ban đầu của nhà hát opera tại Thủ Thiêm. Ảnh: TL
Xây nhà hát thuộc thẩm quyền của địa phương
Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch ở Thủ Thiêm (TPHCM) với kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng đã tạo nên nhiều tranh cãi. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cho rằng: Có thêm một thiết chế văn hoá là điều tốt, đáng mừng cho ngành VH-TT&DL nói chung. Tuy nhiên, việc quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch với quy mô và hình thức như thế nào lại thuộc thẩm quyền của của UBND TPHCM. Hiện Bộ VH-TT&DL chưa thể có câu trả lời thỏa mãn báo chí cũng như công chúng về vấn đề này. Bộ đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi với Sở VH-TT TPHCM, bởi việc đầu tư, quy mô, hình thức xây dựng nhà hát thuộc thẩm quyền của địa phương.
Cũng tại cuộc họp, khi được hỏi quan điểm của Bộ VH-TT&DL về kết luận thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Thái Bình cho biết: Ngay sau khi công bố kết luận thanh tra, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch để triển khai kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Ông Bình cho biết thêm, hiện chưa thể thông tin cụ thể về thời gian và các nội dung sẽ thực hiện bởi mọi việc đều được tiến hành theo lộ trình.
Liên quan đến Di tích thành Cổ Loa liên tục bị xâm phạm, đại diện Bộ VH-TT&DL thông tin: Năm 1962, di tích này đã được xếp hạng và đến năm 2009 xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho thấy tầm quan trọng của di tích. Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể di tích này, đây là căn cứ pháp lý để dần dần xử lý các vi phạm đó; tiến tới tương lai gần là đưa di tích này thành công viên lịch sử văn hóa, thành địa điểm du lịch. Trước đây, quản lý di tích này giao cho TP Hà Nội, sau này giao trực tiếp cho Ban quản lý thành Cổ Loa - là đơn vị chuyên môn trực thuộc TP Hà Nội. Thời gian tới, di tích sẽ được bảo vệ tốt hơn, phát huy được giá trị. Theo báo cáo mới nhất, trong 3 năm trở lại đây, số lượt vi phạm tại di tích đã giảm đi nhiều. Từ 2015, có 39 vụ vi phạm; năm 2016 có 36 vụ; năm 2017 có 25 vụ. Qua số liệu có thể thấy, tình hình vi phạm, xâm phạm tại Di tích thành Cổ Loa đang được kiểm soát, hạn chế.
Siết chặt tour du lịch giá rẻ chứ không xóa bỏ
Trong buổi họp báo, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tour du lịch giá rẻ, về bản chất là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị thường. Cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch. Một trong những biến tướng của “tour giá rẻ” ảnh hưởng đến hoạt động du lịch là “tour 0 đồng”.
Tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức như: Gom khách thành đoàn lớn, dưới hình thức “bán buôn” để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ; thuê nguyên chuyến để vận chuyển khách du lịch; tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm giá ăn, ngủ... nhưng bù lại bằng chi phí mua sắm. Cách làm này thường được các công ty lữ hành Trung Quốc... làm nhiều nhất. Các công ty này vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại khách cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0. Các công ty du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Xét về mặt tích cực thì khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển... nên sẽ tạo doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Đối với các hãng hàng không thì tour giá rẻ là đòn bẩy để thu hút khách, duy trì sự ổn định của đường bay. Loại hình này cũng làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm và giúp các nhà đầu tư có nguồn thu ổn định, đem lại doanh thu cho điểm đến.
Mặt tiêu cực của tour giá rẻ là khi các doanh nghiệp lợi dụng hình thức du lịch này để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... sẽ tạo ấn tượng không tốt. Bất cứ quốc gia nào sử dụng biện pháp du lịch giá rẻ để thu hút khách du lịch đều có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, chứ không riêng Việt Nam.
Để kiểm soát được loại hình tour giá rẻ này, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, không nên xóa bỏ hẳn loại hình du lịch này. Việc quản lý tour du lịch giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã áp dụng nhiều biện pháp, thanh tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh du lịch giá rẻ, không chỉ xử phạt mà hình thức cao nhất là rút giấy phép đối với một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, đồng thời phát hiện, tham mưu, đề xuất các giải pháp cho Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên để xử lý triệt để được vấn đề này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành như: Công thương, Thuế, Ngân hàng, Công an... tại địa phương để xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm.
Theo con số thống kê, thời gian qua, số lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng đáng kể, tỷ lệ khách quay lại lần 2 trở lên từ 33% năm 2014 lên 40,4% năm 2017, cho thấy chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam tăng. Chất lượng khách du lịch cũng gia tăng, mức chi tiêu bình quân một ngày của khách cũng tăng từ 130 USD/ngày lên 170 USD/ngày.
Ngọc Mai