Mỗi dịp đi thăm các con, tôi có nhiều thời gian ở tại căn hộ tái định cư khu đô thị mới Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thấm thoắt đã mười mấy năm trôi qua, các con ra trường và có việc làm ở Thủ đô, rồi có gia đình nhỏ đúng mô hình hai con dù gái hay trai.
Biết bao kỷ niệm, ký ức của những ngày đầu về căn hộ mới từ sự tích cóp của cuộc đời công chức và vay mượn bạn hữu mới có được.
Như vậy, khu tái định cư này không đơn thuần là cư dân Thủ đô mà còn nhiều vùng miền khác, kể cả người ngoại quốc. Điều kiện kinh tế, văn hóa, nhận thức của cư dân rất khác nhau, nên dễ nảy sinh buồn phiền trong ứng xử.
Chẳng hạn chuyện đi thang máy. Văn hóa chào hỏi vào ra thang máy là điều hiếm hoi. Có lần gặp bạn trẻ cùng vào thang máy, tôi phàn nàn chuyện này. Cháu cười vui: “Bác đừng băn khoăn cho mệt người, cháu làm tại một ngân hàng ở Hà Đông, bố mẹ thuê cho căn hộ tái định cư này. Hàng ngày đi làm về, cháu cũng rất dị ứng với sự thiếu vắng câu chào khi đi thang máy, thậm chí mình chào trước họ vẫn lặng thinh, kể cả một động tác xã giao cũng không có. Nhưng lâu dần cũng quen, bác ạ.” Lâu dần cũng quen, đúng như thế. Nhưng với lớp người cũ như chúng tôi thật khó quen quá!
Đó là chuyện liên quan đến thang máy. Còn thang máy ở đây được lắp đặt loại đời cũ nên tháng một đôi lần hỏng hóc là chuyện thường. May sao, tòa nhà 120 hộ có 2 thang máy liền kề, khi hỏng buồng thang máy này vẫn còn buồng thang máy kia.
Khổ nhất là những giờ các cháu đi học, người lớn đi làm gặp cả hai thang máy sự cố, tòa chung cư nhốn nháo cả lên theo nhau đi thang bộ kẻo trễ giờ. Đi xuống còn đỡ, khi đi bộ ngược tầng cao đến tầng 13 vào hôm thời tiết nóng bức thì bở hơi tai.
Lại cũng chuyện từ thang máy. Có vị khách đưa con nhỏ đến chơi thăm bà con, cháu bé hoảng sợ khóc thét khi bất thần một chú chó lai xông ra khi cửa thang máy vừa mở. Hoặc có hôm không biết chó nhà ai “bậy” ra ngay trước cửa thang máy gây xú uế lối đi. Người có trách nhiệm nhắc nhở nhưng thỉnh thoảng cư dân vẫn phải hứng chịu cảnh này!
Tôi đã đến nhiều chung cư tại Hà Nội nhưng ít khu tái định cư nào được quy hoạch thoáng có khuôn viên cây xanh, bồn hoa, đường đi quanh các tòa nhà như ở Nam Trung Yên.
Với khu 4 tòa nhà đều có đảo tròn trồng cây xanh hoặc hoa, cây cảnh tạo điểm nhấn của khu chung cư. Nhiều ghế đá do các căn hộ tình nguyện làm tặng hay của các đối tác giúp đỡ được đặt quanh đảo tròn và một số vị trí trước tòa nhà, trở thành nơi nghỉ ngơi giải trí cho cư dân hay du khách.
Có khuôn viên thoáng đẹp như vậy, nhưng vệ sinh môi trường lại ít được chú ý. Không ít người ăn quà vặt rồi ném rác vô tội vạ trên những con đường trong chung cư hoặc xả rác ngay trước ghế đá.
Sau mỗi trận mưa lớn, rác phủ đầy nắp cống thoát nước nhiều ngày nhưng không ai thu gom. Đất cát lâu ngày ngập rãnh thoát nước cũng chẳng ai hay. May sao thỉnh thoảng có mấy bác cao tuổi tranh thủ vét đất cát, gom rác vào túi nilon, nên sạch được mấy hôm. Tuy nhiên, dăm bảy ngày sau rác lại hình thành.
Vượt qua hoàn cảnh, một lớp trẻ đã lớn lên và trưởng thành tại chung cư này. Những cư dân rời quê lên Thủ đô, cư dân từ phố lâu năm lên chung cư những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt đã quen dần sinh hoạt ở tầng cao và hiểu nhau hơn.
Tất cả đều vì một lớp trẻ cần được chăm sóc nuôi dưỡng cả về tâm hồn lẫn thể chất. Một vài hộ có điều kiện đã sang nhượng và đầu tư thêm mua căn hộ mới tiện nghi hơn. Nhưng phần lớn hàng trăm hộ vẫn bám trụ tòa nhà tái định cư này vì nhiều năm gắn bó. Và theo họ thì khu tái định cư Nam Trung Yên vẫn là nơi sống lý tưởng so với thời bao cấp, sơ tán…
Ngày mới ở căn hộ tái định cư, tôi loáng thoáng biết đôi vợ chồng trung niên từ Ô Chợ Dừa về đây. Chồng chạy xe ôm, vợ bán chè chén. Bằng lao động chân chính, sau mười mấy năm ở chung cư, ông bà lo cho mấy người con ăn học nay có công việc làm ổn định, con gái đã xây dựng gia đình nhỏ hạnh phúc.
Đối với ông bà, hạnh phúc gia đình chính từ những điều giản dị. Giờ đây, ông đã sáu mấy tuổi vẫn gắn bó với chiếc xe máy. Ông có bơm xe hay giúp đỡ mọi người khi rảnh rỗi. Bàn chè chén của bà có khách thường xuyên cũng đủ cho cuộc sống thường nhật và tiết kiệm để tích lũy.
Ông bà cho rằng, ở khu tái định cư theo vận động của chính quyền địa phương, ban đầu có khó khăn nhất định. Nhưng qua thời gian, gia đình tôi thấy thoải mái hơn với không gian sống mới bình lặng và tình thân ái giữa các cư dân cũng nhân lên.
Một thời gian dài ông đại tá ở một đơn vị thuộc quân khu 4 nghỉ hưu làm tầng trưởng tòa nhà B3C. Sáng chủ nhật hàng tuần, ông thường hô hào cư dân trong tầng tham gia vệ sinh chung. Tất nhiên, ông luôn gương mẫu trong việc chung này. 10 căn hộ chung một tầng ở nhiều vùng miền khác nhau, lại có căn hộ cho công ty thuê làm văn phòng nên ý thức giữ vệ sinh chung cũng rất khác nhau, nhất là vệ sinh ở cửa nhận rác.
Một vài cư dân thường đổ thức ăn thừa trực tiếp vào cửa nhận rác gây mất vệ sinh, thậm chí họ cho cả rác cồng kềnh gây tắc đường ống thoát rác xuống tầng trệt. Ông đại tá với bản chất của bộ đội cụ Hồ “gương mẫu là mệnh lệnh không lời” ngoài nhắc nhở chung lại tự mình thuê người thông ống thoát rác.
Sau mấy tháng về công việc ở quê, tôi trở ra căn hộ ở B3C. Mặt tiền căn hộ và tường khu vực sảnh chung như được khoác áo mới từ 2 thang máy đến 3 lối đi tới các căn hộ của tầng 10 sáng đẹp hẳn ra nhờ được lăn sơn lại.
Thấy tôi ngạc nhiên, con rể cho biết các gia đình thống nhất với chủ trương làm mới nơi ở bằng cách lăn sơn tường ở tầng 10 của bác đại tá và anh Linh một cán bộ quân đội công tác ở Bộ tư lệnh Thủ đô.
Đóng góp của 10 căn hộ không nhiều, nhưng bộ mặt của tầng 10 tươi mới hơn, không gian sống đẹp hơn trước dịp đón Tết cổ truyền. Lối đi giữa các căn hộ cũng sáng hơn nhờ anh Linh đầu tư lắp thêm bóng đèn led tiết kiệm điện.
Chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, nhiều năm nay anh Linh ủng hộ bà con tầng 10, năm thì cành đào, năm thì chậu quất quả sai vàng ruộm đặt tại sảnh chung phía trước cửa hai buồng thang máy. Chậu quất, cành đào được treo đèn nhiều màu nhấp nháy, góp vào không khí rộn ràng đón Xuân, năm mới của cư dân.
Nam Trung Yên là khu tái định cư của cư dân Hà Nội khi thành phố mở rộng đường. Người dân về nơi này đầu tiên từ những năm 2004 và mấy năm tiếp theo. Các cụm nhà 3-4 toà cao 13 tầng hình thành từ phía nam Mạc Thái Tổ đến bắc Mạc Thái Tông.
Mở đầu là 3 tòa nhà A6 gồm A6A, A6B và A6C phía bắc đường Mạc Thái Tổ gần Keang Nam - tòa nhà cao 72 tầng. Các tòa nhà số lẻ quy hoạch phía đường Phạm Hùng, số chẵn sát đường Nguyễn Chánh. Về các tòa nhà số chẵn, giáp đường Mạc Thái Tổ là 4 toà số lẻ B3 gồm B3A, B3B, B3C và B3D; tiếp theo là Trường THCS Nam Trung Yên, Chợ Nam Trung Yên, một số vị trí chưa xây dựng được tận dụng làm sân bóng phong trào.
Và cuối cùng là 4 toà B11 gồm B11A, B11B, B11C và B11C phía sau Bộ tư lệnh Thủ đô, 2 tòa B11C và B11D giáp đường Lê Thái Tông.
Phía tòa nhà số chẵn giáp đường Mạc Thái Tổ là khu biệt thự liền kề 4B, tiếp đến là 3 toà nhà B6 gồm B6A, B6B và B6C nhìn qua đường nội bộ khu đô thị là trường THCS Nam Yên; tiếp là 3 toà B10 gồm B10A, B10B và B10C nhìn qua đường nội bộ là sân bóng tạm.
Không gian các cụm toà nhà quy hoạch thoáng với đường nội bộ, cây xanh xung quanh. Đối với các cụm toà nhà B3, B11 đều thiết kế đảo tròn cây cảnh, cây bong mát tạo điểm nhấn cho cư dân và du khách gần xa.
Mười mấy năm ra đời, cây xanh ở khu đô thị tái định cư Nam Trung Yên đã tỏa bóng mát, tạo không gian sống và môi trường trong lành. Cùng với sự phát triển chung của Thủ đô về phía tây thành phố là một thế hệ trẻ ra đời.
Được giáo dục trong môi trường mới, lớp trẻ của khu đô thị mới đang tiếp nhận nhiều nét đẹp văn hóa của cư dân thủ đô thanh lịch - Hà Nội xanh, sạch đẹp và phát huy giá trị của thành phố vì hòa bình trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.