Đa cấp lại như “rắn mọc thêm đầu”
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh – Nguyễn Phương Nam, trên cả nước từng có thời điểm có hơn 90 doanh nghiệp đa cấp đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 61 đơn vị hoạt động. Bộ Công thương cho biết tính đến 17/9 đã tiếp nhận 67 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Căn cứ vào Nghị định 42 và Thông tư 24 quy định chi tiết thi hành một số điều về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh chịu trách nhiệm cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Nếu như trước đây, nguyên tắc bất di bất dịch đối với bất kỳ mạng kinh doanh bán hàng đa cấp nào muốn tham gia kinh doanh mạng là bất đắc dĩ phải mua sản phẩm và tiền đặt cọc là thủ tục đầu tiên được đưa ra. Mỗi sản phẩm có giá hàng triệu đồng mà cả người mua và người bán “tự thỏa thuận ngầm” là chất lượng sản phẩm là một phần và tiền chi hoa hồng tạo nên giá thành sản phẩm đó.
Như vậy, vô hình chung, người mua sản phẩm đã trả một khoản tiền để mua chỗ làm việc. Để bù đắp lại khoản tiền mua việc này, người kinh doanh phải chấp nhận thổi phồng tính năng, công dụng sản phẩm để ép người thân, bạn bè, gia đình mua hàng.
Khi đã không thu lợi bất chính từ việc ép buộc người kinh doanh phải mua hàng thì “chiêu thức mới” chính là những khoản được gọi là học phí hay “gói chuyên nghiệp” đã được tung ra. Đây là một hình thức lừa đảo mới. Câu chuyện quản lý hoạt động bán hàng đa cấp lại được nhắc đến với những nỗi bức xúc trong mới trong xã hội.
Đối tượng chính vẫn là các sinh viên, đặc biệt là sinh viên hoàn cảnh khó khăn, nhiều sinh viên phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Thiếu hiểu biết về hoạt động này mà nhiều bạn bị sa vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo dẫn đến cảnh nợ nần cơ cực.
Nghiêm ngặt kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp
Mới đây, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin bài phản ánh tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.
Chính vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp đã phải chịu nhiều quy định ràng buộc. Cụ thể, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Doanh nghiệp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp…
Đặc biệt, để sàng lọc doanh nghiệp từ khâu gia nhập thị trường, nghị định đã đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp, doanh nghiệp không được yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác…
Cùng với đó, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự./.