Hiện nay, ngành logistics Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị hay nhân lực. Đặc biệt là việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container, vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này.
Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực và kịp thời nâng cao sức cạnh tranh cho ngành logistics nước nhà, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm logistics của khu vực.
Để giải tỏa áp lực cho hệ thống cảng biển, ông Hans Kerstens, Phó trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần (EuroCham) khuyến nghị các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh, không nên chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà có thể khai thác thêm đường sắt, đường bộ. Điều quan trọng là đảm bảo hàng hóa đến đúng thời điểm và dự đoán được các vấn đề có thể xảy ra.
Nếu như trước đây, hàng từ Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển đi thẳng sang châu Âu thì bây giờ có thể kết hợp bằng cách vận chuyển bằng đường biển sang các cảng của Trung Quốc. Sau đó, hàng từ cảng được đưa lên đường sắt chạy thẳng từ Trung Quốc qua Nga sang châu Âu.
Ngoài ra, các công ty logistics đang nỗ lực tìm ra các giải pháp để tránh ùn tắc tại các tuyến vận tải, như có tàu biển riêng và có những lợi thế bảo đảm container rỗng đưa hàng đi; thậm chí, họ còn sử dụng vận chuyển qua đường sắt, không chờ tàu biển.
Còn ông Rolando E.Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) cũng cho rằng, để đối mặt tình hình ùn tắc tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ, cũng như tình trạng thiếu container rỗng, Chính phủ và khối tư nhân, các đơn vị chuỗi cung ứng, hãng tàu cần phải làm việc, tìm ra những phương án tốt nhất để số hóa, tự động hóa với quy trình logistics quốc gia và xây dựng cơ chế một cửa đối với giao dịch thương mại và kinh doanh.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế cũng cho rằng, cần có chiến lược gần bờ đối với các nhà đầu tư, tức là các trung tâm phân phối gần bờ. Tuy nhiên, các trung tâm phân phối này cần bảo đảm tính kết nối logistics tốt nhất giữa các quốc gia; cơ sở hạ tầng logistics hoàn thiện, ổn định, cũng như vị trí địa lý, tính ổn định chính trị của quốc gia đó…
Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, thói quen của người tiêu dùng đã và đang thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến, do đó, tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phát triển hệ thống e-logistics để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nguồn: https://congly.vn/da-dang-hoa-phuong-thuc-van-tai-hang-hoa-201079.html