Chân dung

Chân dung "vua thép" Trần Đình Long

Cổ phiếu HPG làm khó đại gia ngành thép

Khởi nghiệp từ năm 31 tuổi, ông Trần Đình Long đã xây dựng một Hoà Phát từ con số 0 trở thành Tập đoàn đứng đầu thị trường về thị phần thép xây dựng Việt Nam.

Vào thời điểm gần cuối tháng 1/2018, tài sản trên thị trường chứng khoán của "tỷ phú thép" Trần Đình Long đã chạm mốc tỷ USD khi cổ phiếu HPG liên tục lập đỉnh. Theo công bố của Forbes thì tài sản của ông Long tại ngày 6/3/2018 là 1,3 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ 1.756 trên thế giới.

Ông Long đang sở hữu gần 381,6 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ hơn 25,15%. Với thị giá cổ phiếu HPG kết phiên 7/3 (61.100 đồng/cổ phiếu), tổng tài sản của ông Long đạt 23.313 tỷ đồng, xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng “bốc hơi” gần 50% so với mức giá đỉnh, khiến tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long giảm hàng nghìn tỷ đồng. Đây có phải là lý do khiến ông Trần Đình Long "biến mất" khỏi danh sách tỷ phú USD sau 9 tháng được Forbes công nhận?

Thời điểm Forbes công nhận là tỷ phú USD, ông Trần Đình Long được mô tả là người thành lập Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, nhà phân phối phụ tùng và thiết bị máy móc thiết bị tại Hà Nội vào năm 1992. Hòa Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam.

Về hoạt động kinh doanh, mới đây, tại Lễ công bố 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018, Tập đoàn Hòa Phát đứng vị trí thứ 8 trong số 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018 và vị trí thứ 2 trong số 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018.

Trong quý III/2018, doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn Hòa Phát đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Sau 9 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn Hòa Phát đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài Công ty mẹ, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát cũng có mặt trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018, đứng ở vị trí thứ 50.Với thị phần chiếm 27,25% (theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam, tính tới tháng 10/2018), sản phẩm ống thép Hòa Phát luôn giữ thị phần số 1 tại thị trường trong nước.

Đại gia ngành thép lấn sân… bất động sản nông nghiệp?

Ông Trần Đình Long bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1992 qua việc thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, tiền thân của Tập đoàn Hoà Phát bây giờ.

sfgf

Nhà máy sản xuất ống thép của Hòa Phát

Thiết Bị Phụ Tùng ban đầu chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, năm 1993 đánh dấu mốc quan trọng của công ty khi lần đầu sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản.

Ông Long từng chia sẻ: "Thời kỳ đó chỉ được nhập khẩu đường biên chứ không phải chính ngạch vì công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài. Thế nên phải đi bằng hộ chiếu đường biên. Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả 2 tay 2 chân tay nếu không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả".

Thời kỳ đầu Công ty còn phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký.

Đến những năm 1994 - 1995, thời điểm đó mới có Công ty Thiết Bị Phụ Tùng ở đường Giải Phóng, TP. Hà Nội. Ông Long kể lại: "Anh em đi mua bàn ghế cho văn phòng. Mua 2 - 3 cái bàn, 50 - 70 cái ghế mà thấy khó quá. Tìm hiểu thì biết họ phải nhập từ Đài Loan về, chủ yếu là bàn ghế gỗ. Cách đây 22 năm mà có cái ghế văn phòng xoay tít mù thì sướng lắm, hồi đó là dạng quý hiếm, mấy trăm nghìn một cái".

Đến năm 2002, khi thị trường xuất hiện nhiều cái tên sính ngoại như Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức... thì ông Long lại chọn cho mình cái tên Hoà Phát để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu.

Cuối năm 2009 đánh dấu bước chuyển mình lớn của Hoà Phát khi Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 giúp Tập đoàn tạo được chu trình khép kín từ sản xuất than coke – luyện phôi từ quặng và phế liệu – đúc – cán thép đến phân phối. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí phát sinh ở các khâu trung gian cũng như sản xuất với quy mô lớn hơn.

Năm 2005, doanh thu của Hoà Phát chỉ hơn 1.300 tỷ đồng, lãi sau thuế là 69 tỷ đồng thì đến năm 2017 doanh thu đã cán mốc 2 tỷ USD. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2017 cao nhất kể từ khi thành lập với 8.015 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận hàng năm (CAGR) giai đoạn 2006 - 2017 gần 49%/năm.

Mục tiêu 2020 là 100.327 tỷ đồng doanh thu trong đó doanh thu từ thép xây dựng khoảng 63.500 tỷ đồng, chiếm 63%.

Không chỉ tập trung vào ngành thép mà trong vài năm trở lại đây làn sóng doanh nhân tham gia vào nông nghiệp nở rộ khi nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch ngày càng cao.

Vì vậy, Tập đoàn Hòa Phát cũng "rẽ sóng" đầu tư sang bốn sản phẩm chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà với mô hình 3F (Feed, Farm, Food). Ông Long đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm với 3 nhà máy tại Hưng Yên, Phú Thọ, Đồng Nai; 650.000 đầu lợn thương phẩm/năm; 75.000 bò thịt và 300 triệu quả trứng gà sạch mỗi năm.

Ông Long từng trả lời trước truyền thông về nỗi lo sợ của nhà đầu tư khi một doanh nghiệp thép lại lấn sang lĩnh vực nông nghiệp là: "Chiến lược của Hoà Phát về nông nghiệp là không nhìn trong ngắn hạn, lấy lợi nhuận của ngành trước đầu tư ngành hàng sau. Nhà đầu tư đòi hỏi có lãi ngay thì không có. Nếu nhà đầu tư chỉ đầu tư ngắn hạn thì không ở được với Hoà Phát"

 

Theo Reatimes.vn